Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông kết nối

Thứ năm, ngày 24/08/2023

(BDO) Thực hiện Chương trình hành động số 02-CTr/HU ngày 13-8- 2020 của Huyện ủy “Phát huy tối đa các nguồn lực, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương”, huyện Phú Giáo đang tập trung để từng bước phát triển, nâng chất đô thị, nâng cao cuộc sống của người dân trên địa bàn.

 Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đoạn đi qua xã Tam Lập đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành

 Đẩy nhanh tiến độ dự án, công trình trọng điểm

Bà Nguyễn Thị Diễm Đang, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phú Giáo, cho biết thực hiện Chương trình số 02- CTr/HU ngày 13-8-2020 của Huyện ủy, các công trình sử dụng vốn ngân sách hoàn thành trong giai đoạn 2020-2025 đang thi công 6/6 công trình, bố trí vốn trên tổng mức đầu tư là 1.419/2.764 tỷ đồng, đạt 51%, khối lượng thực hiện 1.014 tỷ đồng. Đặc biệt, công trình đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và công trình đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú là công trình trọng điểm của huyện, mang lại lợi thế rất lớn trong việc thu hút đầu tư, cần phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Cùng với đó, nhiều công trình cần đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư, đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ và phân bổ vốn để tập trung thực hiện. Theo đó, toàn huyện hiện có 6/14 công trình đã được cấp có thẩm quyền ghi vốn chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2021- 2025 với số tiền hơn 6,2 tỷ đồng và 8/14 công trình chưa bố trí vốn. Cùng với đó, các công trình giao thông huyện thường xuyên duy tu, sửa chữa mặt đường với số vốn trên 64 tỷ đồng, các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn xã thường xuyên nâng cấp, sửa chữa gồm 177/921 công trình, với số tiền 164 tỷ đồng.

“Công tác quy hoạch kết nối giao thông liên vùng được lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 7 tuyến đường chính kết nối tỉnh Bình Phước, trong đó có 2 tuyến đường tỉnh và 5 tuyến đường huyện. Theo định hướng quy hoạch vùng huyện đến năm 2040, huyện sẽ hình thành thêm 10 tuyến đường giao thông kết nối tỉnh Bình Phước nhằm bảo đảm cho việc lưu thông và giao thương hàng hóa của huyện Phú Giáo nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung”, bà Nguyễn Thị Diễm Đang chia sẻ.

Khắc phục khó khăn

Bên cạnh thuận lợi, thời gian qua vẫn còn tồn tại một số khó khăn, nhất là vấn đề xã hội hóa công tác đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ như công tác huy động vốn ngoài ngân sách cho việc đầu tư xây dựng bến xe và chợ Phú Giáo. Ngoài ra, tại một số dự án, công trình, công tác giải phóng mặt bằng còn kéo dài. Số công trình, dự án được bố trí vốn thấp và còn 8 công trình, dự án chưa được bố trí vốn đầu tư trong giai đoạn 2021- 2025. Một số phương thức huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đã được triển khai, nhưng khả năng thu hút nguồn vốn chưa cao, khó thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Công tác giải phóng mặt bằng một số công trình còn kéo dài. Nguyên nhân giá đất thị trường cao hơn khung giá đất đền bù, do đó người dân khiếu nại, yêu cầu bố trí tái định cư, một phần do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các ngành chức năng và các xã, thị trấn trong công tác vận động, thuyết phục nhân dân. Số công trình, dự án được triển khai thực hiện đạt khối lượng thấp, do phụ thuộc vốn ngân sách của tỉnh. Ngoài ra, các công trình, dự án có quy mô lớn không được ghi vốn thực hiện đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 do huyện không cân đối được nguồn vốn thực hiện, phải trình tỉnh hỗ trợ, bố trí.

Hiện nay, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thiếu tính đồng bộ, hệ thống giao thông tuy được đầu tư tương đối hoàn chỉnh nhưng chỉ bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân trong huyện, thiếu tính kết nối liên vùng, liên huyện, liên khu vực. Cụ thể, hướng giao thông kết nối đông - tây chưa nhiều làm giảm hiệu quả khai thác, khó thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Ông Đoàn Văn Đồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết để khắc phục những hạn chế, khó khăn nêu trên, huyện đã đề ra một số giải pháp là tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong huyện; tăng cường sự phối hợp của các ngành, các cấp với MTTQ, tổ chức xã hội và nhân dân tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, tiếp tục quản lý tốt quy hoạch, điều chỉnh lập quy hoạch, phê duyệt các đồ án quy hoạch có nội dung quy hoạch hệ thống giao thông bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo đảm tính kết nối, tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Thời gian tới, huyện Phú Giáo sẽ tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để có quỹ đất tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các công trình do Trung ương, tỉnh và các chủ đầu tư khác thực hiện trên địa bàn, huyện sẽ phối hợp, hỗ trợ để triển khai đầu tư xây dựng, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Đồng thời, huyện tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được tỉnh hỗ trợ và các nguồn vốn khác từ ngân sách; tập trung tháo gỡ khó khăn để thực hiện giải ngân đầu tư công bảo đảm tiến độ.

 Hệ thống hạ tầng giao thông huyện Phú Giáo từ khi tái lập đến nay được đầu tư tương đối đồng bộ, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trên địa bàn. Đầu nhiệm kỳ, trên địa bàn huyện có 48 tuyến đường huyện quản lý, dài 246,07km và 768 tuyến đường do xã quản lý, dài 648,95km. Đến nay, còn lại 47 tuyến đường huyện quản lý, dài 235,07km (tuyến ĐH516 được nâng cấp lên đường tỉnh) và 921 tuyến đường do xã quản lý, dài 735,941km.

 MINH DUY - LÝ HUY