Huy động các nguồn lực vào công tác phòng cháy, chữa cháy

Thứ hai, ngày 06/11/2023

(BDO) Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới, được tổ chức trực tuyến sáng ngày 5-11.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và doanh nghiệp, không để xảy ra các sự việc đáng tiếc.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh phối hợp tổ chức hội thi chiến sĩ PCCC tại cơ sở nhằm nâng cao kỹ năng, nhận thức của người lao động vào công tác này, góp phần kéo giảm các vụ cháy cũng như thiệt hại về người và tài sản

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Lấy người dân làm chủ thể, trung tâm trong công tác PCCC

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các cấp, các ngành, các địa phương cần xác định PCCC&CNCH là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đổi mới tư duy, nhận thức, cách thức tổ chức, cách làm, cách tiếp cận đối với nhiệm vụ này; đặt nhiệm vụ PCCC&CNCH dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp. Công tác PCCC&CNCH phải bảo đảm an toàn, tận dụng hiệu quả các nguồn lực, lấy người dân làm chủ thể, trung tâm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị đối với công tác PCCC&CNCH. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân trong PCCC&CNCH. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm pháp luật; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác PCCC.

Tính từ ngày 15-12-2022 đến 15-10-2023, cả nước xảy ra 2.927 vụ cháy và sự cố cháy, làm chết 134 người, bị thương 101 người. Về tài sản ước thiệt hại hơn 229 tỷ đồng và 207 ha rừng. Cũng trong 10 tháng qua, cả nước xảy ra 10 vụ nổ, làm chết 5 người, bị thương 18 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ cháy và sự cố cháy giảm 1.367 vụ, tăng 36 người chết, tăng 22 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm hơn 337 tỷ đồng. Số vụ nổ giảm 3 vụ, giảm 3 người chết, tăng 3 người bị thương.

Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ suất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; do vi phạm quy định an toàn PCCC; do sự cố kỹ thuật, tác động hiện tượng thiên nhiên, tai nạn giao thông...

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3-1-2023 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1210/KH-UBND đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh để quán triệt, triển khai, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện toàn diện, với tinh thần “Quyết tâm hơn nữa, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác PCCC&CNCH, xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, gắn chặt với nhiệm vụ chuyên môn của từng sở, ban, ngành, địa phương”.

Trong 9 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 63 vụ cháy, trong đó có 3 vụ cháy lớn, 8 vụ cháy trung bình và 52 vụ cháy nhỏ được quần chúng nhân dân, lực lượng PCCC tại chỗ dập tắt kịp thời, không để cháy lan, cháy lớn; thiệt hại không đáng kể. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ cháy giảm, không có vụ cháy gây chết người.

Trong kiểm tra xử lý vi phạm, ngành chức năng tỉnh đã kiểm tra an toàn PCCC 51.605 lượt cơ sở, lập 51.605 biên bản, hướng dẫn hơn 145.000 giải pháp an toàn về PCCC. Qua công tác kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, quyết định tạm đình chỉ 322 trường hợp; đình chỉ hoạt động 363 trường hợp cơ sở không bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC; quyết định xử lý vi phạm hành chính 3.164 trường hợp, với tống số tiền nộp ngân sách Nhà nước 28,85 tỷ đồng…

Theo ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm sâu sát, chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về công tác PCCC&CNCH. Tỉnh chỉ đạo thực hiện chặt chẽ công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá và có biện pháp, giải pháp cụ thể xử lý những tồn tại, bất cập về an toàn PCCC&CNCH đối với các cơ sở, địa bàn trọng điểm có nguy hiểm về cháy, nổ. Tập trung rà soát, kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở vi phạm chưa thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đưa vào sử dụng. Đồng thời, kiên quyết xử lý đối với các nhà đầu tư, các cơ sở vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC...

Tiếp tục phát huy phương châm “4 tại chỗ”

Tại Bình Dương, mặc dù lực lượng chuyên trách PCCC&CNCH còn mỏng, nhưng với sự nỗ lực nên công tác PCCC trong tình hình mới vẫn đạt được những kết quả quan trọng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, người dân tham gia.

Tính đến đầu tháng 11-2023, tại Bình Dương đã thành lập và củng cố 587 đội dân phòng với hơn 4.368 đội viên tham gia PCCC từ cơ sở. Đã thành lập 33 đội PCCC chuyên ngành với 762 đội viên và được trang bị 19 xe chữa cháy, 22 xe bồn tiếp nước; hướng dẫn xây dựng 8.378 đội PCCC cơ sở với 107.963 đội viên.

Song song đó, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 508 “Điểm chữa cháy công cộng” và 453 “Tổ liên gia an toàn PCCC”. Tổ chức tập huấn kỹ năng an toàn PCCC&CNCH cho 279.871 hộ gia đình. Tuyên truyền, vận động 282.159 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ thô sơ. Vận động hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mở lối thoát nạn thứ hai được 17.687 hộ; chỉ đạo UBND cấp xã hướng dẫn các ấp, tổ dân phố đưa nội dung về bảo đảm an toàn PCCC&CNCH vào các buổi họp, sinh hoạt định kỳ và huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở đạt 100% chỉ tiêu theo quy định.

Qua các hoạt động giúp nhận thức về công tác PCCC của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được nâng lên rõ rệt. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và chủ hộ gia đình chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, rà soát các điều kiện an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình để thực hiện. Chủ động đầu tư, trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy, CNCH cũng như đăng ký để được tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH. 

TÂM TRANG