Hương xuân trên vùng nông thôn mới

Thứ hai, ngày 09/02/2015

Xã An Sơn, TX.Thuận An vào những ngày cuối năm dường như cũng đã trở nên nhộn nhịp hơn bởi những chuyến xe chở đầy nông sản. Không chỉ ở An Sơn, sắc xuân cũng đang tràn ngập trên những vùng nông thôn mới (NTM).

(BDO)

 Mô hình trồng bưởi mang lại thu nhập cao của người dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên  Ảnh: C.SƠN

 Năm nay, người dân xã An sơn có niềm vui lớn, vì từ giữa năm 2014, xã đã chính thức được công nhận đạt chuẩn NTM. Không vui sao được bởi đây chính là thành quả nỗ lực phấn đấu lâu dài của chính quyền và nhân dân xã An Sơn trong suốt thời gian qua.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Bí thư Đảng ủy xã An Sơn không giấu được niềm vui cho biết: “Qua rất nhiều cố gắng, từ sự chung sức, chung lòng của nhân dân, An Sơn đã trở thành xã NTM. Chúng tôi xác định, sẽ tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được".

Ở tất cả các địa phương xây dựng NTM, người dân đều có nhiều hình thức đóng góp quan trọng vào chương trình ý nghĩa này. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được triển khai, thực hiện rất nhanh nhờ người dân hiến đất, hiến cây trồng, hoa màu trên đất. Có những nơi, người dân đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn m2 đất… để chương trình này được triển khai thuận lợi hơn.

Ông Vũ Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo khẳng định: “Đến nay xã Tân Hiệp đã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Kết quả này có phần đóng góp rất lớn của người dân…”. Ông Nguyễn Minh Châu, ấp 2, xã Tân Hiệp, một trong những hộ dân tiêu biểu trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn tại đây, cho biết: “Vậy là những đóng góp của những người dân chúng tôi đã được phát huy. Năm nay, chúng tôi đi vui xuân, sẽ không còn phải đi qua những con đường lầy lội nữa…”.

Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 11 xã đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đạt ít nhất từ 9 tiêu chí trở lên; số xã đạt trên 14 tiêu chí chiếm trên 50%. Năm 2015, Bình Dương đề ra mục tiêu phấn đấu thêm 19 xã đạt chuẩn NTM và giai đoạn 2016-2020 có 49/49 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM.

Tại xã NTM Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, các mô hình nông nghiệp được tạo điều kiện hỗ trợ phát triển, trong đó nổi bật là các mô hình trồng bưởi. Nhờ được hỗ trợ giống bưởi mới, kỹ thuật, phân bón, xây dựng tổ hợp tác, năng suất, chất lượng bưởi được nâng cao, hầu hết các vườn bưởi trong xã đều phát triển tốt, có vườn cây hàng năm thu nhập đến hàng trăm triệu đồng.

Còn tại xã An Sơn, nhằm thực hiện tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM, các cấp, các ngành đã tập trung hỗ trợ cho người dân phát triển các mô hình nông nghiệp mới. Nhiều hoạt động hỗ trợ khôi phục vườn cây ăn trái tại An Sơn đã được triển khai. Người dân An Sơn cũng được khuyến khích xây dựng các mô hình nông nghiệp đô thị như các mô hình trồng hoa lan, rau sạch trong nhà lưới, nuôi lươn không bùn…

Để đạt những thành quả sau quá trình xây dựng NTM, thời gian qua, Bình Dương đã chi hơn 2.019 tỷ đồng cho thực hiện chương trình mục tiêu, trong đó vốn trực tiếp cho chương trình khoảng 811 tỷ đồng (chiếm 40,21%). Nhờ vậy, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 85,5%; trong đó tỷ lệ bê tông, nhựa hóa chiếm 54%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,1%; 100% người dân ở nông thôn sử dụng điện thoại di động, điện thoại cố định không dây và internet bằng nhiều hình thức; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 1,52% (4.186 hộ) theo tiêu chí của tỉnh.

 CAO SƠN

Từ khóa: