Hướng về nguồn cội

Thứ năm, ngày 02/04/2020

(BDO)

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chỉnh trang khuôn viên vườn hoa, tiểu cảnh để chuẩn bị cho Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2020.

“Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba. Khắp miền truyền mãi câu ca. Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”. Đã là con dân đất Việt, dù ở nơi đâu đều chung một nhịp đập trái tim hướng về núi thiêng Nghĩa Lĩnh - Đền Hùng, nơi gìn giữ Mộ Tổ để đời đời con cháu hương khói phụng thờ công đức Tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành giá trị văn hóa vững bền được trao truyền qua hàng nghìn thế hệ.

Từ bao đời nay, Đền Hùng - nơi  phát tích cội nguồn của dân tộc, luôn là biểu tượng tôn kính, linh thiêng, quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là thủy tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, đây là ngày hội truyền thống của người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mồng 10/3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia, được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Năm nay, do tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 diễn biến phức tạp, nên thay vì tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng quy mô cấp Quốc gia theo kế hoạch ban đầu thì sẽ chỉ tổ chức phần lễ, dừng hẳn các hoạt động phần hội. Mặc dù điều chỉnh các nội dung, chương trình song Lễ hội vẫn được đảm bảo tổ chức trang nghiêm, thành kính, an toàn, tiết kiệm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về hai di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO vinh danh; đồng thời, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Để đảm bảo trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm và thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay chỉ tổ chức 3 hoạt động lễ chính gồm: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày 29/3/2020 (tức mùng 6/3 âm lịch vừa qua); Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương bắt đầu lúc 9h ngày 2/4/2020 (tức mùng 10/3 âm lịch). Trình tự thực hiện như mọi năm, do UBND tỉnh chủ trì với thành phần tham dự gồm đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, đại diện lãnh đạo tỉnh Phú Thọ… Ngoài ra, Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh tổ chức cùng ngày với Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3.

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều văn bản, kế hoạch liên quan đến Giỗ Tổ Hùng Vương, trực tiếp chỉ đạo hệ thống các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Việt Trì và các vùng lân cận thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; thành lập đoàn kiểm tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo trước, trong và sau Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020; xây dựng và hướng dẫn tuyên truyền trực quan đậm nét bằng pa nô hình ảnh, áp phích, băng zôn, treo cờ... trên địa bàn tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, “Hát Xoan Phú Thọ” và Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2020.

 Là đơn vị chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc tổ chức lễ Giỗ Tổ, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã chủ động vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa triển khai các nhiệm vụ thường niên phục vụ Giỗ Tổ. Để tổ chức tốt phần lễ, tạo dựng cảnh quan sạch đẹp, từ nhiều tháng nay, Khu Di tích đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, tôn tạo các hạng mục công trình như hoàn thành thi công công trình Cầu Mai An Tiêm và việc lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại Cổng Trung tâm lễ hội do kinh phí của Ngân hàng Công thương công đức. Tổ chức tuyên truyền trực quan trong khu vực di tích: Treo pa nô, cờ hội, hồng kỳ tại khu vực trung tâm.  

Ông Lê Trường Giang- Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Khu Di tích đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp; đề nghị đồng bào, du khách, các hộ kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Trong thời gian này, Khu Di tích không tiếp nhận đăng ký tổ chức lễ dâng hương, các sự kiện, chương trình và các hoạt động vui chơi, giải trí tập trung đông người nhằm đảm bảo phòng dịch bệnh. Ngoài ra, Khu Di tích phối hợp với Sở Y tế tổ chức phun khử khuẩn diện rộng tại các khu vực, cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn cho đồng bào và du khách, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, đội ngũ cán bộ, nhân viên Khu Di tích lịch sử Đền Hùng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng diễn ra trang trọng, an toàn.

Công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự (ANTT) thời gian trước, trong và sau ngày Giỗ Tổ đã được các lực lượng chức năng triển khai nghiêm túc. Tại các khu vực Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Lạc Long Quân, lực lượng an ninh cắm chốt 24/24h, vừa hướng dẫn du khách, vừa kịp thời xử lý những hiện tượng ảnh hưởng  đến ANTT.

Để cộng đồng người Việt đều hướng về nguồn cội trong tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các gia đình sửa soạn mâm cơm, bái vọng anh linh các Vua Hùng vào ngày 10/3 âm lịch. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - sợi dây gắn kết cộng đồng, dân tộc luôn là điểm tựa tinh thần để nhân dân ta chiến thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi, xây dựng đất nước. “Cây có gốc mới nảy cành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Mãi mãi hướng về cội nguồn, biết ơn Tổ tiên, cha ông đã dựng xây nên đất nước này để nhân lên trong mỗi người chúng ta tình yêu, sự kiên trung và sức mạnh, động lực chung tay góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cường thịnh, vững bền…

Theo baophutho.vn