Hưởng ứng tuần lễ Quốc gia không thuốc lá: Đừng để hô hào suông

Thứ bảy, ngày 28/05/2011

Một trong những nội dung quan trọng của Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (TL) với chủ đề “Thực hiện Công ước Khung về kiểm soát TL” là thực hiện môi trường không TL. Cụ thể, nghiêm cấm hút TL ở trường học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện... Nhưng liệu nội dung này có được thực hiện hiệu quả hay chỉ là hô hào?

Năm nay, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (TL) được diễn ra từ ngày 25 đến 31-5, với chủ đề “Thực hiện Công ước Khung về kiểm soát TL”. Chủ đề này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn nhằm mục đích vận động các quốc gia thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống tác hại TL mà các quốc gia đã cam kết khi tham gia công ước. Theo đó, các biện pháp thực hiện gồm: thực thi môi trường hoàn toàn không có khói TL; tăng thuế TL; in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao TL; cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ của các công ty TL.

 

Hút HL nơi công cộng vẫn còn rất phổ biến

Hưởng ứng Ngày Thế giới không TL (31-5) và Tuần lễ Quốc gia không TL, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành đoàn thể, UBND các huyện, thị triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế.  Cụ thể, thông tin rộng rãi về tác hại của TL; thực hiện môi trường không TL; tăng cường kiểm soát buôn bán các sản phẩm TL. Nhưng liệu những biện pháp đưa ra có phát huy hiệu quả để nâng cao ý thức người dân trong phòng chống TL hay lại bị lãng quên?

Trước đây, để thực hiện Công ước Khung về kiểm soát TL và  phòng tránh tiếp xúc với khói TL, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1315/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá. Theo đó, từ 1-1-2010, nghiêm cấm hút TL ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tại nơi cấm hút thuốc lá phải treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá”. Tại các nơi công cộng trong nhà (nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng) và khu vui chơi, giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường chỉ được phép hút thuốc tại khu vực dành riêng cho người hút TL; những nơi dành riêng cho người hút TL.

Nhưng sau hơn một năm quyết định có hiệu lực, nhiều người vẫn tỏ ra thờ ơ với quyết định này và hình ảnh dễ thấy là khói TL vẫn bay khắp nơi. Trên địa bàn tỉnh, tại các cơ sở y tế, trường học và nhiều cơ quan, đơn vị vẫn không có nhiều thay đổi. Người hút TL vẫn cứ vi phạm. Đặc biệt qua khảo sát thực tế, cho thấy trong ngày đầu tiên của Tuần lễ Quốc gia không TL, tại trường H.V vẫn tồn tại hình ảnh người thầy “phì phèo” điếu thuốc trong buổi tổng kết năm học. Từ hình ảnh này nhận thấy, quyết định cấm hút TL tại nơi công cộng hầu như chỉ mới nhận được sự đồng tình ủng hộ từ những người không hút TL, còn với những người đang hút TL thì rất thờ ơ với quyết định này. Có rất nhiều nguyên nhân giải thích cho tình trạng này, trong đó nguyên nhân chủ yếu là biện pháp xử phạt chưa thật hiệu quả.

Thiết nghĩ, để quy định cấm hút TL ở những nơi công cộng thực sự có hiệu quả, rất cần ý thức của cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền để đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tác hại TL, đặc biệt là phải có chế tài xử phạt rõ ràng, nghiêm khắc.

THU THẢO

Theo số liệu của ngành y tế, sử dụng TL là một trong những nguyên nhân gây bệnh và tử vong hàng đầu trên thế giới. Ở Việt Nam năm 2010, có 47,4% nam giới hút thuốc, là một trong nhóm 15 nước có tỷ lệ nam giới hút TL cao nhất thế giới. Hút TL làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 - 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, các bệnh tim mạch... Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút TL càng sớm thì nguy cơ càng cao  và thời gian hút càng dài thì nguy cơ cũng càng lớn).