Hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2020: An toàn mùa dịch và những kinh nghiệm quý giá
(BDO)
Quang cảnh buổi tọa đàm “Quản trị thông minh, an toàn trong mùa dịch”
Ứng phó với dịch bệnh
Tại buổi tọa đàm, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng mặc dù Việt Nam về cơ bản đã đẩy lùi và kiểm soát rất tốt dịch bệnh nhưng dự báo thời gian tới dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, tìm giải pháp để ứng phóvàthích nghi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là điều mà DN, NLĐ và các cơ quan phải làm tốt để bảo đảm an toàn cho NLĐ. Tại tọa đàm, cán bộ công đoàn, đại diện DN đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình tốt trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động; tìm giải pháp quản trị an toàn cho các đơn vị, DN nhằm duy trì sản xuất và bảo vệ sức khỏe cho NLĐ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Cụ thể như tác động của Covid-19 đến thị trường nhân sự; làm việc an toàn trong mùa dịch bệnh, thích nghi với trạng thái bình thường mới; xu hướng làm việc trong bối cảnh hiện nay...
Trong bối cảnh dịch bệnh, các DN phải đối mặt với một “trạng thái bình thường mới” để thích ứng. Trong đó khoảng cách vật lý, tăng cường vệ sinh, xét nghiệm thường xuyên và thực hành các giải pháp an toàn khác là vô cùng quan trọng trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn cho NLĐ khi làm việc, cần có sự hướng dẫn và thực hành tốt các quy trình, hệ thống hỗ trợ cho tập thể NLĐ trong các bộ phận, lĩnh vực hoạt động sản xuất tại mỗi DN.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sung Shin (TX.Bến Cát), cho biết công ty đã thành lập Ban phòng chống Covid-19, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở 100% công nhân đeo khẩu trang, bảo đảm khoảng cách 2m mỗi công nhân; luôn có một cán bộ y tế và một cán bộ Ban phòng chống kiểm tra nhiệt độ cho công nhân. Đồng thời, công đoàn công ty cũng tuyên truyền cho công nhân đeo màn che để tránh giọt bắn giữa các công nhân, có cồn khử trùng và phun thuốc khử trùng hàng ngày tại các công xưởng. Trong bữa ăn, công ty đã chia ca cho công nhân theo giờ để tránh tập trung đông người, kéo dài thời gian ăn thêm 30 phút, giảm bàn ăn từ 8 người xuống còn 6 người/bàn. Trong khi công nhân ăn, công ty sẽ chiếu các video về phòng, chống Covid-19 để mọi người cùng xem. Đối với bộ phận văn phòng, công ty cũng yêu cầu luôn đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, hạn chế sử dụng điều hòa; khử trùng máy vi tính, bàn làm việc hai lần mỗi ngày; Ban phòng chống Covid-19 cũng kiểm tra y tế hàng ngày. Cán bộ y tế được trang bị các bộ đồ bảo hộ. Công ty cũng có chính sách hỗ trợ NLĐ trong thời điểm dịch bệnh, mỗi công nhân khoảng 20kg gạo, với tổng số tiền khoảng 150 triệu đồng/tháng.
Ông Tạ Kim Đoan, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Esques (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore), cho biết công ty có 4 nhà máy tại Việt Nam với hơn 13.000 NLĐ. Công ty đã có sự chuẩn bị, phối hợp với các bộ phận nên không có nhiều khó khăn đểbốtrícho công nhân làm việc. Bên cạnh những thuận lợi đạt được, trong công tác phòng, chống dịch bệnh của công ty có 4 khó khăn như việc chấm công, vừa giãn cách, vừa bảo đảm giờ làm nên phải tăng cường lực lượng bảo vệ, mở nhiều cửa; triển khai đồng bộ hướng dẫn cách tham gia làm việc trực tuyến, các nhóm chat trao đổi nội bộ; việc bố trí máy nhằm bảo đảm khoảng cách; bảo đảm tiến độ và hiệu suất công việc.
Quản trị tại nhà
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết thời gian qua các DN đã năng động, sáng tạo trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo điều kiện của từng DN, như việc thiết kế tấm chắn nhà ăn cho NLĐ bằng gỗ, nhựa, carton… Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, NLĐ rất đồng tình và nghiêm túc chấp hành các quy định để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Nhiều đơn vị, DN đã chuyển NLĐ từ làm việc trực tiếp sang làm việc tại nhà. Đồng hành với DN, tổ chức công đoàn cũng thay đổi để thích nghi từ làm việc trực tiếp sang làm việc trực tuyến. Công đoàn các cấp đã chỉ đạo, thay đổi nội dung rất kịp thời, sinh động hơn như tuyên truyền chống dịch qua clip, qua mạng xã hội.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng “trong cái khó ló cái khôn”, rất nhiều DN, NLĐ, các cơ quan đã tìm ra những giải pháp để thích nghi với đại dịch Covid-19. “Chúng ta đã làm việc tại nhà, hình thành những mô hình quản trị tại nhà rất phù hợp để vừa bảo đảm an toàn vừa bảo đảm hoạt động lao động, sản xuất, phát triển kinh tế đất nước”, ông Hiểu nói. Cũng theo ông Hiểu, thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá rất cao khi nhiều đơn vị, DN, NLĐ và cả tổ chức công đoàn đã nỗ lực tìm kiếm được các giải pháp để chiến đấu lâu dài với dịch bệnh. Trong đó, Công đoàn Bình Dương là một trong những điển hình của cả nước trong việc tìm kiếm các giải pháp hoạt động để làm tốt công tác tuyên truyền, chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ.
Nhân dịp Tháng Công nhân và Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động, ông Ngọ Duy Hiểu kêu gọi các cấp công đoàn, lấy an toàn cho NLĐ là điểm chủchốt; tập trung đánh giá khảo sát, thống kê tình hình đời sống việc làm của NLĐ, thụ hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ, chăm lo bảo vệ quyền lợi của NLĐ, không đểtác động của dịch bệnh dẫn tới việc chấm dứt hợp đồng lao động, làm tốt công tác tuyên truyền; thương thuyết với DN đểtìm giải pháp vượt khó, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ.
THU THẢO