Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5): Không hút thuốc là phòng bệnh

Thứ bảy, ngày 31/05/2014

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, có thể dẫn đến ung thư phổi - điều cảnh báo trên được treo dán khắp nơi để tuyên truyền cho mọi người về tác hại của thuốc lá. Nhiều người biết tác hại thuốc lá là rất lớn, nhưng chỉ đến khi cơ thể bị bệnh họ mới có đủ lý do để bỏ thuốc lá. Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi người đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”...  

Bác sĩ Phan Văn Tiếng đang khám bệnh cho bệnh nhân tại Khoa nội 1, BVĐK tỉnh

Đừng để bệnh rồi mới biết

Tại Khoa nội 1, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, có nhiều bệnh nhân (BN) lớn tuổi bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc các bệnh lý liên quan đến phổi. Hỏi ra mới biết, các BN này đều từng hút thuốc lá rất nhiều năm. BN Nguyễn Long Bình, 61 tuổi ở phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên cho biết, 15 tuổi ông đã tập tành hút thuốc “để thể hiện mình là người lớn”. Từ tập tành, ông trở nên nghiện thuốc lá lúc nào không hay. Chỉ biết, một ngày ông hút hết cả gói thuốc và số tiền tiêu tốn vào thuốc lá cộng lại cũng không ít. Sau này, khi nhiều phương tiện thông tin tuyên truyền về tác hại của thuốc lá có hại cho sức khỏe, ông đã nhiều lần tìm cách bỏ thuốc nhưng vẫn không thành. Mấy năm trở lại đây, sức khỏe ông Bình yếu hơn. Ông đi khám, được bác sĩ (BS) tư vấn, khuyên nhủ nên lần này ông đã quyết tâm bỏ thuốc lá bằng được. Nhiều năm qua, ông không hút thuốc nữa, nhưng những ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe vẫn âm ỉ. Hơn 40 năm “gắn bó” với thuốc lá và hậu quả bây giờ là ông đang điều trị căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. “Sau này bệnh mới biết hậu quả của thuốc lá lớn đến chừng nào. Vì thế, mọi người không nên vướng vào thuốc lá. Đặc biệt là các cháu tuổi mới lớn, không nên đua đòi theo bạn bè mà tập tành hút thuốc lá, vì thuốc lá rất hại cho sức khỏe”, ông Bình nói.

BN Nguyễn Tuấn Kiệt ở phường An Thạnh, TX.Thuận An cũng đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Khoa nội 1, BVĐK tỉnh. Ông Kiệt cho biết, đã từng hút thuốc lá hơn 30 năm và mới bỏ cách nay khoảng 3 năm. Ông Kiệt chia sẻ: “Trước đây mình chủ quan, cứ nghĩ nhiều người hút thuốc lá có bị ảnh hưởng đến sức khỏe gì đâu nên bất cứ lúc nào rảnh là châm thuốc hút. Đến khi bị bệnh mới biết và mới có đủ quyết tâm bỏ. Nhưng để không tái hút trở lại, mình cũng trải qua nhiều lần cầm lòng không được trước những cơn thèm thuốc. Còn bây giờ thì bỏ hoàn toàn rồi, sức khỏe giảm sút nhiều quá nên phải tự dừng lại thôi...”.

Hãy tránh xa khói thuốc lá

BS Phan Văn Tiếng, Trưởng Khoa nội 1, BVĐK tỉnh cho biết, trong năm nay, tình hình BN bị bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính nhập viện ở khoa rất nhiều. Các trường hợp nhập viện đều bị bệnh nặng, do tình trạng sức khỏe BN kém, không quan tâm đến chế độ dinh dưỡng. Không phải bất cứ ai hút thuốc lá cũng bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhưng hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh này. Trung bình trong 10 người hút thì có khoảng 3 - 4 người mắc bệnh này, với thời gian hút khoảng từ 10 năm trở lên.

BS Tiếng lưu ý rằng, khi BN đã mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thì việc điều trị rất khó. Trong quá trình điều trị, BN cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, bổ sung nhiều chất đạm hơn mức bình thường. Song song đó, BN phải tuân thủ đúng chế độ điều trị, nếu đang hút thuốc lá phải bỏ hút ngay và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của BS. Với những người làm việc trong môi trường độc hại có thuốc lá thì cần tránh xa khói thuốc lá. Không nên tiếp xúc với khói thuốc lá, dù hút thuốc lá chủ động hay thụ động đều có tác hại đối với sức khỏe.

Theo BS Tiếng, trong thuốc lá có khoảng 4.200 chất, trong đó có hơn 20 chất có thể gây ung thư phổi, hơn 20 chất có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Vì thế, mọi người không nên hút thuốc lá vì thuốc lá rất có hại đối với sức khỏe. Đặc biệt, các bạn thanh niên mới lớn, không nên tập tành hút thuốc lá. Bởi một khi đã nghiện thuốc lá rồi muốn bỏ rất khó, đòi hỏi phải có ý chí, quyết tâm cao mới có thể bỏ được.

Bài, ảnh: HỒNG THUẬN