Hưởng ứng Ngày Pháp luật 9-11: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật

Thứ hai, ngày 09/11/2015

(BDO)  

Ngày Pháp luật ra đời vào năm 2013, kể từ đó đến nay, ngày này được xem là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. Ngày Pháp luật năm 2015 có chủ đề “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” được triển khai với nhiều hoạt động. P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Anh Hoa (ảnh), Phó Giám đốc Sở Tư pháp xung quanh công tác tổ chức triển khai tuyên truyền Ngày Pháp luật 2015 tại Bình Dương.

- Ngày 9-11 là Ngày Pháp luật Việt Nam, bà có thể cho biết ý nghĩa, mục đích của ngày này?

- Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh, đề cao giá trị Hiến pháp, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền; giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người dân để các quy định pháp luật được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện; đồng thời, đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong toàn dân; tạo thêm kênh thông tin mới góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Kể từ năm đầu tiên triển khai (năm 2013) đến nay, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương tổ chức đồng bộ, rộng khắp trong phạm vi cả nước, theo đúng nội dung, tinh thần của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Đối với Bình Dương, hai năm qua tỉnh đều tổ chức lễ mít tinh lớn cùng với rất nhiều các hoạt động thiết thực, cách thức tổ chức linh hoạt, sáng tạo, nội dung có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn đã thực sự tạo sức lan tỏa cao, thu hút sự tham gia tích cực, sự hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò, vị trí của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

 

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp tổ chức tư vấn pháp lý lưu động tại xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên

- Để tuyên truyền về Ngày Pháp luật Việt Nam, Sở Tư pháp đã chuẩn bị, triển khai kế hoạch tuyên truyền gì, thưa bà?

- Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý này, công tác chuẩn bị và triển khai đã được Sở Tư pháp và các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện. Ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn tỉnh năm 2015 làm cơ sở để các ngành, các cấp ở địa phương triển khai đồng bộ. Sở Tư pháp đã biên soạn, cung cấp nhiều tài liệu tuyên truyền như: Đề cương giới thiệu luật, tờ gấp về các lĩnh vực: hộ tịch, hôn nhân gia đình, phòng chống tội phạm, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông... phối hợp thu đĩa về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật; tiểu phẩm tuyên truyền… các tài liệu này được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp, của tỉnh để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuận lợi truy cập, in, tải về sử dụng cho đợt sinh hoạt Ngày Pháp luật. Bên cạnh đó, sở ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật của sở với nhiều hoạt động cụ thể, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động đến cơ sở...

Ngày Pháp luật năm 2015 được triển khai từ ngày 1-10 đến 30-11, cao điểm trong tuần lễ từ ngày 3 đến ngày 9-11. Nhìn chung, các cấp, các ngành, các địa phương hưởng ứng tích cực với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như: Tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật (Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên internet, Hội thi tìm hiểu pháp luật hôn nhân gia đình, Hội thi Nông dân với pháp luật…); tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan; đẩy mạnh trợ giúp pháp lý lưu động ở cơ sở; tư vấn pháp luật miễn phí tại các văn phòng luật sư trên khắp địa bàn tỉnh...

- Với vai trò thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL, cơ quan tham mưu của UBND tỉnh về công tác PBGDPL, trong thời gian tới Sở Tư pháp sẽ có kế hoạch, định hướng gì để công tác PBDGPL ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu của địa phương?

- Một vấn đề thực tiễn mà những người làm công tác PBGDPL phải suy nghĩ là mặc dù công tác PBGDPL được thực hiện rất tích cực, có những chuyển biến tốt, tuy nhiên vẫn còn không ít sai phạm, vi phạm pháp luật xảy ra. Vậy giải pháp nào để định hướng, góp phần giảm thiểu tình trạng này, đồng thời đáp ứng yêu cầu của địa phương trong giai đoạn tới?

Trước mắt, Sở Tư pháp tiếp tục tập trung tham mưu triển khai có hiệu quả Luật PBGDPL, các chương trình đề án, kế hoạch về PBGDPL; Chỉ thị 06/2014/CT-UBND của UBND tỉnh, theo đó có những giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với công tác PBGDPL; từng bước đưa công tác PBGDPL, chấp hành pháp luật là một trong những tiêu chí xem xét thi đua, khen thưởng CBCCVC; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL; tăng cường tuyên truyền cho đối tượng đặc thù, nhóm đối tượng ít có điều kiện tìm hiểu, tiếp cận pháp luật như phổ biến pháp luật cho nhóm người lao động trong các doanh nghiệp… bởi Bình Dương đang có gần 22.000 doanh nghiệp đầu tư, khoảng 850.000 người lao động trong doanh nghiệp. Chú trọng phổ biến các quy định pháp luật để tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, người lao động và cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn, nhận thức tốt hơn và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.

Giải pháp đổi mới cơ bản, toàn diện nội dung, hình thức PBGDPL để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu hơn. Thời gian qua, chúng ta vừa thực hiện vừa tìm tòi một số cách làm mới, nay tiếp tục nghiên cứu đổi mới hình thức, cách thức PBGDPL theo hướng sinh động, thu hút hơn. Chẳng hạn, ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng tiểu phẩm, sân khấu hóa, phát huy tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép phổ biến pháp luật trong các buổi sinh hoạt cộng đồng... Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 cũng là kênh thông tin mới. Về đổi mới nội dung tuyên truyền, tức tuyên truyền không chỉ tập trung vào quy định pháp luật, kiến thức pháp luật, mà phải thông tin cả về lợi ích của việc chấp hành pháp luật, hay hậu quả của việc không chấp hành quy định pháp luật đó. Cách thức tuyên truyền làm sao để người dân thích nghe, dễ hiểu, từ đó pháp luật sẽ dần thấm sâu vào nhận thức của người dân.

Bình Dương cũng vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X; từ nay đến cuối năm 2015 và trong năm 2016, nước ta còn có nhiều sự kiện chính trị, đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tổ chức bầu cử đại biểu QH khóa XIV và HĐND các cấp, Quốc hội dự kiến ban hành nhiều văn bản luật quan trọng để triển khai thi hành Hiến pháp 2013… Vì vậy, công tác PBGDPL luôn phải bám sát các sự kiện chính trị, pháp lý của đất nước, của địa phương, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

- Xin cảm ơn bà!

 UBND tỉnh yêu cầu tổ chức “Ngày pháp luật 9-11-2015 bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm, không phô trương, hình thức; huy động mọi nguồn lực xã hội gắn với khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.

Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về Ngày Pháp luật, Sở Tư pháp cũng đã triển khai nhiều hoạt động để hưởng ứng Ngày Pháp luật 9-11 như: Ban hành các văn bản hướng dẫn cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác chuẩn bị và thực hiện tuyên truyền cho sự kiện này. Ngoài việc phát hành, panô, áp phích, tờ gấp, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, Sở Tư pháp còn có nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tiếp tại cơ sở. Điển hình là công tác trợ giúp pháp lý lưu động do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Sở Tư pháp phối hợp với Hội LHPN, Hội Nông dân, Phòng Tư pháp các địa phương đã và đang triển khai tổ chức 14 đợt đi trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn và các khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh.

 

 TÂM TRANG (thực hiện)