Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”

Thứ ba, ngày 20/11/2012

Sau loạt bài “Để cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt không phải là khẩu hiệu” vừa được đăng tải trên báo Bình Dương, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến chia sẻ, phản hồi từ bạn đọc. Dưới đây là một vài ý kiến tiêu biểu.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Bình Dương Nguyễn Thanh Trung: “Cần kiên trì thực hiện một cách thường xuyên…”

Để cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” không phải là khẩu hiệu cần phải kiên trì thực hiện một cách thường xuyên, lâu dài, để người dân thấy được lợi ích, trách nhiệm của công dân, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn.

Tôi đã có dịp đến một số nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… và được thấy cách làm thị trường, bảo hộ thương hiệu hàng hóa, nhà sản xuất trong nước tại các quốc gia này rất tốt. Phải công bằng mà nhìn nhận thì hàng hóa tại các nước này cũng rất tốt về chất lượng, hệ thống phân phối, cũng như việc tuân thủ pháp luật. Từ đó khơi dậy và phát huy tốt tinh thần dân tộc cả trong lẫn ngoài nước. Có thể thấy điều này qua hình ảnh chiếc xe máy City, Sangyang của Hàn Quốc. Trước đó, vào khoảng thập niên 1980, ngành công nghiệp ô tô, xe máy của Hàn Quốc mới phát triển, nên chiếc xe máy thương hiệu Hàn Quốc chỉ có vài “vỏ” là sản xuất tại Hàn Quốc, còn lại tất cả đều phải nhập khẩu từ Nhật Bản, nên khi đưa ra thị trường người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận do giá cả hợp lý, chất lượng ổn định. Sau đó chừng 10 năm, ngành công nghiệp ô tô xe máy của nước này phát triển, toàn bộ chiếc xe đã được đóng dấu xuất xứ hàng hóa “Made in Korea” và tham gia cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm trước đó. Điều quan trọng làm nên thành công này chính là tuyên truyền, giáo dục cho người dân trong nước tự hào khi sử dụng hàng hóa mang nhãn hiệu của chính đất nước mình.

Việt Nam trở thành thành viên của WTO không có nghĩa là phải “cắt đứt” mọi sự bảo hộ, mà quan trọng là bảo hộ như thế nào để phát triển được nền sản xuất trong nước và không vướng các điều khoản đã cam kết! Theo tôi, chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Bình Dương là bước đầu tư chiến lược đúng hướng không chỉ giúp “nhà nông” tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh tốt; mà còn giúp người tiêu dùng Bình Dương có được những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, để không phải chọn lựa các loại rau, củ kém chất lượng nhập khẩu từ nước ngoài đang tràn ngập thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, xã Tân Định, huyện Bến Cát: “Gương mẫu sử dụng hàng Việt”

Qua theo dõi báo, đài, tôi thấy lãnh đạo tỉnh Bình Dương ra thông báo yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn không sử dụng tràng hoa, lẵng hoa khi dự các lễ tiệc quan trọng, không chỉ là hình thức tiết kiệm mà còn trực tiếp nhắc nhở cán bộ, công chức nói riêng và người dân nói chung phải biết tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả đồng tiền, nguồn lực do mình làm ra.

Trở lại cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”, để cuộc vận động này không trở thành khẩu hiệu thì “người lớn” phải làm gương, phải thực hiện trước. Từ chiếc áo, cây viết, đôi giày… chúng ta rất khó vận động xã hội, cộng đồng thực hiện chủ trương lớn như thế nếu người lớn, cấp lãnh đạo lại xuất hiện trước ống kính truyền hình với đôi giày nhập khẩu từ nước ngoài; chiếc cà vạt đắt giá hàng hiệu, tiếp khách bằng rượu Tây… Nếu có thể được, tại các lễ hội, hội nghị do các cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh tổ chức cũng nên quy định phải sử dụng thức uống gì (do trong nước sản xuất), đồ dùng, quà tặng thế nào để những hình ảnh này trở thành biểu tượng cho cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”.

DUY CHÍ (ghi)