Hướng tới đô thị công nghiệp xanh
(BDO) Đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh. Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu. Đó là mục tiêu, định hướng tổng quát tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chủ tịch Quốc hội ký ban hành ngày 9-1-2023.
Theo định hướng phát triển vùng và liên kết vùng trong quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương nằm trong vùng kinh tế động lực phía Nam gồm các tỉnh Đông Nam bộ với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân phấn đấu đạt khoảng 8-8,5%/năm, cao nhất cả nước. Bám sát các chỉ tiêu phát triển theo Nghị quyết số 24-NQ/ TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với các tỉnh, thành trong vùng, Bình Dương đang xây dựng, hoàn thiện quy hoạch tổng thể thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới đô thị công nghiệp xanh, thông minh, bền vững.
Quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chú trọng định hướng khung chiến lược tích hợp và không gian động lực phát triển; hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội; khung định hướng phát triển quy hoạch... Mặc dù đang bàn thảo nhưng quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã cho thấy mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đến năm 2050, Bình Dương là thành phố thông minh; trung tâm công nghiệp hiện đại; trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á; là môi trường văn minh, đáng sống, thịnh vượng, bền vững.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quy hoạch tổng thể cũng đề cập đến các trụ cột tăng trưởng, an sinh xã hội và các yếu tố hỗ trợ. Về định hướng liên kết vùng, quy hoạch tổng thể hướng tới phát triển Bình Dương trở thành vùng đổi mới sáng tạo gồm 1 trục phát triển; 2 hành lang sinh thái; 3 vành đai liên kết; 4 phân vùng phát triển. Trong đó, 4 phân vùng phát triển gồm vùng đô thị trung tâm (TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên); vùng đô thị vệ tinh (huyện Bàu Bàng); tiểu vùng phát triển kinh tế sinh thái, hỗ trợ phát triển công nghiệp phía Đông Bắc (huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo) và tiểu vùng phát triển kinh tế sinh thái, du lịch phía Tây Bắc (huyện Dầu Tiếng)…
Bảo đảm tính kế thừa có chọn lọc và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xây dựng, quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi hoàn thành sẽ là “kim chỉ nam” cho các định hướng phát triển tiếp theo của tỉnh, hướng tới đô thị công nghiệp xanh, thông minh, bền vững và là nơi đáng sống như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.
LÊ QUANG