Hưởng thụ lợi ích từ sách theo cách mới
(BDO) “Thông điệp từ sách” là tên chủ đề hội thi sách nói do Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo TP.Dĩ An tổ chức. Với sự đầu tư kỹ lưỡng, nhiều tác phẩm đã góp phần lan tỏa những lợi ích từ sách đến với mọi người.
Các giáo viên đoạt giải tại hội thi sách nói “Thông điệp từ sách” TP.Dĩ An
Cùng với tinh thần quyết tâm chiến thắng dịch bệnh Covid-19, khắp nơi trong tỉnh cũng đang phấn khởi với các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5.6.1911 - 5.6.2021). Trong những ngày này, trong lòng hàng triệu con dân đất Việt hẳn đều dâng lên những nỗi niềm cảm xúc kính yêu, thương nhớ vô cùng vị Cha già của dân tộc. Theo chiều cảm xúc đó, tôi mở chuyên mục “Thông điệp từ sách” trong fanpage của Thư viện TP.Dĩ An để nghe câu chuyện “Lòng Già Hồ luôn bên cạnh đồng bào Nam bộ” do cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên trường Mầm non Võ Thị Sáu đọc.
Vừa đọc vừa diễn cảm theo từng cung bậc cảm xúc của câu chuyện, cô Huyền đã cuốn hút chúng tôi lắng nghe từng lời Bác thăm hỏi, căn dặn các đồng chí thuộc phái đoàn Nam bộ trong chuyến công tác ra miền Bắc năm 1946. Qua câu chuyện, cô Huyền đã khẳng định tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam và tình cảm của miền Nam đối với Bác là chất men xúc tác tạo thành một trong những nhân tố quyết định làm nên chiến thắng trong 2 cuộc chiến chống ngoại xâm, đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện trọn vẹn di chúc thiêng liêng của Người…
Tôi mở tiếp câu chuyện “Cách ứng xử mẫn tiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Câu chuyện được kể bằng giọng đọc truyền cảm, ấm áp của cô Trần Ngọc Liên, giáo viên trường Mầm non Thống Nhất (TP.Dĩ An). Thông qua 3 tình huống ứng xử của Bác trong câu chuyện, cô Liên đã rút ra được những bài học quý giá cho bản thân có thể vận dụng trong công việc và cuộc sống.
Ngoài những câu chuyện kể về Bác, chúng tôi còn có dịp nghe nhiều câu chuyện ngắn ca ngợi tình cảm gia đình: Tình mẫu tử, tình phụ tử, sự đùm bọc, giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong gia đình… Truyện cổ tích dành cho thiếu nhi, những quyển sách hoặc mẩu truyện ngắn hay, có ý nghĩa giáo dục nhân cách, tư duy của con người. Theo quy định để tham gia hội thi, mỗi thí sinh gửi file audio/ file âm thanh được lưu bằng các định dạng: MP3, waw, m4a. Nội dung bài thi giới thiệu về cuốn sách hoặc mẩu chuyện mà bản thân yêu thích và những bài học kinh nghiệm trong khoảng thời gian từ 5 - 15 phút.
Theo bà Bùi Thị Anh Thu, Giám đốc Thư viện TP.Dĩ An, nghe sách nói có thể thu hút sự chú ý cũng như thêm động lực cho các em đọc sách hơn là việc đọc một cuốn sách. Sách nói còn hữu dụng cho người bận rộn không có thời gian đọc sách khi chúng ta hoàn toàn có thể vừa nghe vừa làm việc khác mà không cần phải chú ý đến từng chữ khi nhìn vào trang sách như khi đọc sách giấy. Có thể nói, sách nói đã mang những thông điệp từ sách đến gần với mọi người hơn.
Tuy kỹ thuật ghi âm và kết hợp hình ảnh minh họa cho từng câu chuyện còn hạn chế, nhưng hội thi “Thông điệp từ sách” đã thực sự là sân chơi ý nghĩa, kênh giải trí bổ ích, giúp các thí sinh thể hiện niềm đam mê đọc sách, chia sẻ những điều mình tâm huyết với sách đến gần mọi người. Qua đó, người yêu sách bận rộn có thể hưởng thụ những lợi ích từ sách theo một cách mới, tiện lợi hơn, góp phần mang đến những nguồn năng lượng tích cực, vượt qua đại dịch Covid-19 một cách mạnh mẽ hơn.
Ban tổ chức cuộc thi đã trao gần 90 giải thưởng cho các đối tượng thí sinh ở các cấp học. Trong đó, giải nhất dành cho học sinh tiểu học thuộc về em Nguyễn Mai Phương Trang (trường Tiểu học An Bình), giải nhất dành cho học sinh THCS thuộc về em Nguyễn Hà Bảo My (trường THCS Dĩ An); giải nhất dành cho giáo viên tiểu học thuộc về cô Đào Thị Thanh Thảo (trường Tiểu học Đông Hòa), giải nhất dành cho giáo viên THCS thuộc về thầy Văn Đình Lương (trường THCS Võ Trường Toản); giải nhất dành cho giáo viên mầm non, mẫu giáo thuộc về cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (trường Mầm non Võ Thị Sáu). |
THỤC VĂN