Hương tết
Những ngày giáp tết ở làng nghề mứt gừng Bình Nhâm, lò nem ngã năm Lái Thiêu (TX. Thuận An), bà con đang tất bật chuẩn bị sản xuất hàng phục vụ tết. Những đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ gói nem, làm mứt, những tấm lòng thơm thảo đong đầy trên những sản phẩm đã góp thêm hương xuân trên bàn ăn của mỗi gia đình đậm đà phong vị truyền thống.
Từ lò nem
(BDO) Trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp xuân, tôi tìm đến lò nem ngã năm Lái Thiêu. Đây là lò nem truyền thống đã tồn tại hơn 100 năm nay và thương hiệu nem Lái Thiêu không chỉ ngon nổi tiếng ở Bình Dương mà hương vị thơm ngon của nó còn bay xa tới tận TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa (Đồng Nai)… Công việc làm nem vốn bận rộn, những ngày cận tết lại càng bận rộn hơn. Từ 4 giờ sáng, mọi người đã thức dậy để lấy thịt tươi ngon, mỗi người một việc, người thì lọc thịt, giã thịt, người thì cắt lá, lau lá rồi làm bì. Công việc ngày gần tết dường như gấp gáp hơn. Một ngày mới của bà con bắt đầu từ 4 giờ sáng, lúc giáp tết thì 3 giờ sáng đã nhộn nhịp. Tôi bị thu hút bởi những tiếng chày giã thịt, như những bản nhạc lúc trầm, lúc bổng nghe rất vui tai. Tôi đứng quan sát, chỉ trong khoảng 30 phút, nhưng có tới gần 10 người lại hỏi mua vài chục nem, lấy nem, đặt làm nem. Điều này cho thấy, nem Lái Thiêu đã trở thành món ăn khoái khẩu không thể thiếu của rất nhiều vị khách sành ăn.
Anh Lưu Thanh Long, khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm đang làm mứt. Ảnh: K.H
Thấy tôi đứng trước cửa nhà, bà Trần Thị Ngọc Phước, chủ lò nem đon đả mời tôi vào để xem mọi người làm nem. Những miếng thịt đỏ tươi được đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nạo thành những sợi thịt nhỏ mịn, đều tăm tắp. Bà Phước kể cho tôi nghe nghề làm nem của gia đình: “Ngày xưa, nghề làm nem xuất phát từ bà ngoại tôi. Cách đây khoảng 80 - 90 năm, ở Lái Thiêu có 2 - 3 lò làm nem, nhưng khi đem đấu xảo thì chỉ có nem của ngoại tôi thắng cuộc. Nên các lò nem khác đành phải rút lui, cứ như vậy mà lò nem ngoại tôi truyền lại cho con cháu, đến nay là đời thứ 4”. Đôi bàn tay thoăn thoắt lướt nhẹ trên từng miếng thịt, vừa lọc thịt, bà Phước nói tiếp, công việc làm nem này tuy nhẹ nhàng, song yêu cầu phải rất tỉ mỉ từ khâu lựa chọn thịt đến việc chọn lá và gói nem. Muốn nem được ngon phải lựa chọn thịt heo tươi mới, mang về lọc hết mỡ, thái nhuyễn rồi giã nhỏ (tuyệt đối không được rửa qua nước). Điều quan trọng hơn, nem muốn thơm ngon chỉ nên dùng duy nhất lá vông để gói. Bà Phước cho biết, đôi lúc lá vông khan hiếm, nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết không dùng lá chùm ruột để thay thế. Có lẽ lá vông cũng góp phần làm cho hương vị nem Lái Thiêu ngon hơn, thơm hơn. “Nem chúng tôi ngon, ngoài bí quyết gia truyền, còn bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không phẩm màu, hóa chất, được ngành y tế cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh”, bà Phước tự hào nói. Bởi chất lượng ngon, uy tín, nên mỗi ngày lò nem làm khoảng ngàn chiếc. Riêng vào dịp tết, những ngày đám cưới, tiệc nhiều thì số lượng tăng lên. Không chỉ là nghề truyền thống giúp làm giàu cho gia đình mà nem Lái Thiêu còn tạo việc làm ổn định cho một số lao động nữ.
Đến làng mứt
Rời ngôi nhà bà Phước, cái mùi thơm nồng của từng xâu nem vừa mới làm và cả những câu chuyện về lò nem cứ quyện vào tôi. Dọc hai bên dường, dòng người vẫn tấp nập ngược xuôi. Tôi lại về làng nghề mứt gừng ở khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm, TX.Thuận An. Theo các vị cao niên ở đây kể lại, làng nghề đã có hơn 100 năm tuổi. Lúc đầu, bà con chỉ làm để ăn trong những ngày tết, lâu dần thì làm nghề, yêu nghề và giữ gìn nghề truyền thống. Những người con xa quê mang theo tình đất tình người gửi gắm trong những miếng mứt thơm dẻo, nồng ấm; những vị khách ra về mang theo đặc sản Bình Nhâm với bao lời khen ngợi. Từ đó mà mứt gừng Bình Nhâm nổi tiếng và vang xa.
Bình Nhâm nay đã khác xưa, không còn hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn chở măng cụt, bòn bon trên những chiếc xe đạp men theo những đường mòn trên bờ đê trơn trượt. Công việc làm ăn của bà con “xuôi chèo mát mái” nên cuộc sống của họ cũng nhàn nhã. Buổi tối trong những căn nhà tỏa ngát mùi cay cay nồng nồng của gừng, người ta lại nghe thấy những người phụ nữ kể cho con cháu nghe chuyện củ gừng quê hương. Để mai đây khôn lớn, chúng luôn tự hào vì quê mình có cái vị cay cay, ngọt ngọt, dẻo dẻo của gừng. Ghé thăm gia đình anh Lưu Thanh Long, khu phố Bình Hòa, người đã từng gắn bó với nghề hơn 15 năm qua khi những củ gừng đã được làm sạch bóng. Đôi bàn tay thô ráp, chai sần của anh nhưng khi làm mứt lại thoăn thoắt tài hoa như một nghệ sĩ. Mẻ gừng đầu tiên, trắng tinh được đem ra phơi nắng khi nắng mới đang lên lấp lánh, rực rỡ. Anh Long chia sẻ: “Tôi cũng không biết từ bao giờ mà mình yêu nghề này nữa, mỗi khi vắng thì buồn, nhớ vị cay cay, nồng nồng của gừng. Gia đình tôi đã 3 thế hệ làm nghề, tuổi thơ tôi gắn với những lát gừng tươi trong nắng sớm”. Nhiều bà con ở đây kể với tôi rằng, có nhiều gia đình đã 3, 4 thế hệ làm nghề. Người làm trước chỉ cho người làm sau, mẹ dạy cho con gái, con dâu, cha làm cùng con trai, con rể. Nghề nuôi người, người giữ nghề, sợi dây buộc chặt ấy khiến tôi liên tưởng tới cuộc sống sung túc, nhà lầu xe hơi của những người dân làng nghề khi sử dụng máy móc, kỹ thuật tân tiến để đưa vào sản xuất...
Có dịp tìm hiểu những làng nghề, tôi càng cảm nhận tính cách đậm chất Nam bộ của bà con nơi đây, phóng khoáng và mến khách. Đặc biệt, điều đọng lại với tôi khi đến làng mứt Bình Nhâm là lối sống nghĩa tình. Trong vòng xoáy của cuộc sống nhưng nào ai so đo chuyện thiệt hơn, lời lỗ, khi thiếu nguyên liệu bà con chạy qua chạy lại mượn nhau đôi chút. Tình làng nghĩa xóm gắn chặt bền lâu như vị hương gừng cay cay, nồng nồng, khó mà quên được.
Bút ký KIM HÀ