Hướng mở từ cây măng cụt
Câu chuyện thành công từ cây măng cụt ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng là kinh nghiệm quý cho người nông dân trong việc chuyển đổi cây trồng. Từ cây trồng chỉ để “vui”, đến nay thương hiệu măng cụt Thanh Tuyền đã nổi danh khắp cả nước và là tiền đề để huyện Dầu Tiếng phát triển du lịch sinh thái kết hợp với vườn cây ăn trái.
(BDO)
Từ trồng chơi mà “ăn thiệt”
Lão nông Nguyễn Văn Tỵ hiện sở hữu hơn 200 cây măng cụt đang độ tuổi cho trái tại xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng là một trong những điển hình trong phát triển cây măng cụt ở địa phương này. Tuy vậy, ông không phải là người đầu tiên trồng măng cụt tại đất Thanh Tuyền.
Cây măng cụt mang lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều gia đình ở xã Thanh Tuyền. Ảnh: K.VINH
Khoảng 40 năm về trước, một số nông dân ở xã Thanh Tuyền đã đem giống măng cụt từ Lái Thiêu về trồng, nhưng chủ yếu trồng… chơi cho biết. Khi đó mỗi người chỉ trồng vài cây lấy bóng mát, vì lúc đó không ai nghĩ đất Thanh Tuyền ven sông Sài Gòn hay bị ngập lụt lại “bén duyên” với măng cụt.
Trong ký ức của nhiều nông dân ở đây, đất Thanh Tuyền “bạc” lắm, hồi đó vùng đất ven sông này chủ yếu là trồng lúa, đất gò thì trồng điều. Năng suất lúa, điều ở đây lúc đó rất thấp nên nhiều gia đình phải trồng thêm hoa màu để có cái ăn, cái mặc.
Ông Tỵ chia sẻ, lúc bấy giờ thời tiết mưa nắng thất thường, ngập lụt, triều cường ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến năng suất lúa và cây trồng. Nhiều nông dân nơi đây không cam chịu cảnh “nắng mưa là chuyện của trời” nên đã tìm cây trồng khác để thích ứng với điều kiện tự nhiên nơi đây. Sau đó, họ bắt đầu chuyển sang trồng cam, quýt, bưởi và không quên trồng thêm măng cụt để nuôi hy vọng về một vụ khấm khá. Lứa măng cụt cho trái đầu tiên tại Thanh Tuyền cách đây cũng gần 30 năm, quả đầu mùa có hương vị ngọt thanh không thua gì măng cụt Lái Thiêu. Khi đó, nhiều người mới phát hiện thổ nhưỡng, thời tiết ở Thanh Tuyền rất phù hợp với cây măng cụt, nên dần dần họ mở rộng diện tích và phát triển như ngày hôm nay.
Thấy được giá trị kinh tế lớn từ măng cụt mang lại, ông Tỵ là một trong những người đi tiên phong trong việc trồng măng cụt với quy mô lớn tại Thanh Tuyền. Ông cùng một số gia đình trong xã đã tập trung đầu tư cho cây măng cụt, đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống gia đình trở nên sung túc.
Đến nay, cây măng cụt trồng ở xã Thanh Tuyền đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho các gia đình gắn bó với loài cây này. Kết quả này đã mở toang cánh cửa để Thanh Tuyền có thêm cơ hội phát triển du lịch sinh thái, vườn cây ăn trái gắn liền với thương hiệu măng cụt Thanh Tuyền.
Vườn cây gắn với du lịch
Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã liên tục tổ chức các lớp tập huấn quy trình, kỹ thuật trồng măng cụt theo chuẩn VietGAP cho các nông dân trồng măng cụt ở xã Thanh Tuyền. Cùng với đó, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các vườn măng cụt ở Thanh Tuyền ngày càng phát triển về quy mô và chất lượng.
Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã Thanh Tuyền tổ chức lễ trao giấy chứng nhận VietGAP cho tổ liên kết sản xuất măng cụt xã Thanh Tuyền thuộc Dự án phát triển vùng cây ăn quả đặc sản xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2016-2018. Sau khi dự án được UBND tỉnh thông qua, tổ điều hành dự án đã chọn và xây dựng mô hình trình diễn sản xuất cây măng cụt theo VietGAP với tổng diện tích 22 ha/37 hộ; tuổi vườn cây trung bình khoảng 17 năm. Nhờ đó, tên tuổi măng cụt ở Thanh Tuyền ngày càng được nhiều người biết, nhất là khi măng cụt ở Thanh Tuyền liên tục đạt giải cao tại các hội thi trái cây khu vực Nam bộ.
Từ những kết quả đạt được nói trên, huyện Dầu Tiếng và xã Thanh Tuyền đã có bước đi chiến lược là phát triển thêm vườn cây ăn trái nhằm đa dạng sản phẩm nông nghiệp tại đây. Nhờ đó đến nay, diện tích vườn cây ăn trái của xã Thanh Tuyền đã lên đến 215 ha. Ông Lâm Thanh Long, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền, tâm tình đặc sản trái cây Thanh Tuyền đâu chỉ có măng cụt, mà còn có sầu riêng, bưởi, bơ, chuối, nhãn… rất thuận lợi để Thanh Tuyền phát triển du lịch sinh thái miệt vườn.
Dự án “Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản măng cụt gắn với du lịch” ở xã Thanh Tuyền được triển khai thực hiện giai đoạn 2012-2015, hiện nay vẫn tiếp tục được đầu tư phát triển theo Đề án “Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái” tại xã Thanh Tuyền giai đoạn 2016-2020. Nói đầy lạc quan như lão nông Nguyễn Văn Tỵ: “Rồi đây Thanh Tuyền đâu chỉ trông chờ vào cây ăn trái, du lịch tạo đà cho các loại hình dịch vụ phục vụ du khách tham quan sẽ nở rộ. Tới đây, người trồng cây hay không trồng cây ăn trái ở Thanh Tuyền sẽ đều được hưởng lợi từ dự án này”.
PHÙNG HIẾU