Hướng đi nào cho bưu điện văn hóa xã?

Thứ bảy, ngày 15/10/2011

Tính đến nay, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã xây dựng hơn 8.000 điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) trên cả nước. Sau hơn 10 năm hoạt động, hệ thống các điểm BĐVHX đã góp phần nâng cao tỷ lệ người dân được hưởng thụ các dịch vụ bưu chính viễn thông, góp phần kích thích nhu cầu sử dụng thông tin, phục vụ phát triển kinh tế hàng hóa nông thôn. Hệ thống BĐVHX còn góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở vùng nông thôn, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị. BĐVHX đã trở thành một thiết chế văn hóa đặc biệt ở nông thôn.

Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào sự thật: Sau hơn 10 năm hoạt động, BĐVHX tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc làm hạn chế hiệu quả của mô hình này. Trong đó phải kể đến mức chi phí sửa chữa, kinh phí đầu tư bổ sung tăng nhanh; doanh thu của BĐVHX giảm nhiều do biến động của nhu cầu xã hội; thiếu nội dung và hình thức hoạt động phù hợp với nhu cầu của nông dân và khu vực nông thôn. Do đó, hiện nay nhiều BĐVHX luôn trong tình trạng vắng khách, hoạt động không hiệu quả. Nhân viên BĐVHX có khi đóng cửa để đi làm thêm... Ở Bình Dương hiện có 49 điểm BĐVHX cũng đang ở tình trạng chung. Kết quả khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cho biết toàn tỉnh có 14 điểm BĐVHX (gần 30%) hoạt động cầm chừng, không hiệu quả hoặc đóng cửa ngưng hoạt động. Số điểm BĐVHX còn lại hoạt động gặp khó khăn do xuống cấp, thiếu kinh phí sửa chữa nên đã lâm vào cảnh sống dở chết dở. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do khi điều kiện kinh tế của người dân được cải thiện hơn trước, nhu cầu trao đổi, giao dịch tăng cao nên hầu hết khách hàng không còn tìm đến BĐVHX mà chuyển sang dùng điện thoại di động hoặc máy điện thoại cố định gia đình. Với mức lương trước đây 200.000 đồng/tháng, rồi tăng lên 400.000 đồng, 650.000 đồng/tháng nhưng làm sao bảo đảm cuộc sống cho nhân viên phục vụ ở BĐVHX vốn đã  gặp nhiều khó khăn.

Thực trạng trên hoàn toàn không thể đổ lỗi cho việc điều hành và tinh thần phục vụ của đội ngũ nhân viên hệ thống BĐVHX. Điều cốt lõi là chúng ta nên xem lại cơ chế và hiệu quả mang lại của hệ thống BĐVHX hiện nay. 10 năm trước, việc xây dựng hệ thống BĐVHX là cần thiết như đã nói ở trên, nhưng đến thời điểm này hệ thống BĐVHX tồn tại theo kiểu cũ đã không còn phù hợp. Quỹ đất dành xây dựng điểm BĐVHX thường ở vị trí đắc địa. Vì vậy cần có cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho BĐVHX hoạt động ổn định, lâu dài nhằm khai thác hết tiềm năng, như: củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường trang thiết bị hiện đại, đào tạo đội ngũ nhân lực, hỗ trợ người dân tiếp cận sử dụng máy tính và truy cập internet, xây dựng BĐVHX thành một trung tâm thông tin truyền thông và học tập cộng đồng ngoài việc cung cấp các dịch vụ truyền thống ra còn chủ động xây dựng các loại hình dịch vụ, các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương.

* NHẬT HUY