Hướng đến phát triển đô thị bền vững

Thứ ba, ngày 02/12/2014

Hiện nay, đô thị hóa đã và đang diễn ra trên toàn cầu, hơn phân nửa dân số thế giới đang sống trong các vùng đô thị. Riêng ở nước ta, trong 2 thập niên gần đây, cùng với tiến trình thực hiện CNH-HĐH thì quá trình đô thị hóa cũng diễn ra nhanh chóng, đã hình thành những vùng đô thị rộng lớn, trong đó vùng Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng là một điển hình.

(BDO)

Một góc thành phố Mới BÌnh Dương (ảnh: Q.Chiến)

Tại buổi hội thảo khoa học “20 năm đô thị hóa Nam bộ, lý luận và thực tiễn”, do trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển- trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm dự báo và nghiên cứu đô thị tổ chức, ông Nguyễn Minh Giao, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhìn nhận, thời gian qua Bình Dương được biết đến với những thành quả của sự nghiệp đổi mới.Từ một vùng đất nghèo, chưa có cơ sở hạ tầng về công nghiệp, đến nay đã trở thành một tỉnh phát triển có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa khá nhanh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Đây là thành tựu to lớn đáng trân trọng và là niềm tự hào của nhân dân tỉnh nhà.

Trung tâm TP.Thủ Dầu Một (ảnh:Q.Chiến)

Nhìn lại mốc từ  khi tái lập tỉnh Bình Dương (1997) đến nay mới thấy sự đổi thay vượt bậc của tỉnh nhà. Tính đến tháng 8-2014, tỷ lệ đô thị hóa 81,86%. Nếu như năm 1997, công nghiệp 50,4% - dịch vụ 26,8% - nông nghiệp 22,8%, thì đến cuối năm 2014, công nghiệp 60,8% - dịch vụ 36,2% - nông nghiệp 3%. Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 10.000 ha. Đặc biệt, Bình Dương có 1 khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị với diện tích gần 4.200 ha, góp phần thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình CNH-HĐH. Tự hào hơn nữa là Bình Dương xây dựng, phát triển Thành phố Mới và khánh thành Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh. Đây sẽ là thủ phủ của TP.Bình Dương trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Để xứng đáng với tầm vóc đó, Bình Dương xây dựng nhiều chương trình mang tính đột phá, như chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020; phấn đấu năm 2015 Bình Dương đạt tiêu chí đô thị loại 1, để đến trước năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hướng đến phát triển đô thị bền vững, tại Hội thảo khoa học “20 năm đô thị hóa Nam bộ” đã nhận được 48 bài viết của các nhà khoa  học, đề cập nhiều khía cạnh của đô thị hóa của khu vực Đông Nam bộ, trong đó có Bình Dương như về kinh tế, văn hóa, xã hội, mô trường, kiến trúc, quy hoạch…

Ông Hoàng Trọng Quyền, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng, song song với việc nhận diện xu hướng phát triển của đô thị, đô thị hoá Nam bộ, thực tế đang xảy ra cũng là vấn đề đang đặt ra cho các đô thị ở khu vực Nam bộ, đó là vấn đề tăng dân số trong vùng đô thị, sự phát triển của công nghiệp thúc đẩy quá trình đô thị hoá, việc phân bố dân cư xen lẫn khu sản xuất hay là việc sử dụng không gian không hiệu quả… Đây cũng là những giải đáp cho một câu hỏi “Làm thế nào để những đô thị này phát triển bền vững?”.

Tâm huyết với một đô thị hướng đến sự phát triển bền vững, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã có nhiều ý kiến sôi nổi tại hội thảo…

Phó giáo sư-tiến sĩ Phước Minh Hiệp, quyền Vụ trưởng, quyền Trưởng cơ quan thường trực miền Nam, Tạp chí Cộng sản: Phát triển đô thị bền vững cần dựa trên nền tảng phát triển kinh tế

Tỷ lệ đô thị của Bình Dương cao so với các tỉnh thành trong cả nước. Quá trình đô thị hóa gắn liền với CNH-HĐH đã thúc đẩy kinh tế Bình Dương phát triển theo hướng tích cực. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa ở Bình Dương đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Phát triển đô thị bền vững cần dựa trên nền tảng phát triển kinh tế, đặc biệt là chú trọng vào đầu tư công nghiệp, tạo công ăn việc làm, thu hút nguồn lao động từ thấp đến cao đến sinh sống và làm việc. Coi trọng và tuân thủ quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển các khu đô thị,  KCN. Phát triển đô thị cần phải đi kèm với đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; Tập trung xây dựng khu thương mại, mua sắm, công viên và các dịch vụ tiện ích để nâng tầm đô thị. Tập trung phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp công nghệ cao và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức. Phân bố lại dân cư cho hợp lý. Có chính sách hỗ trợ người nông dân. Gắn quy hoạch đô thị hóa với phát triển các ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề truyền thống của tỉnh. Củng cố hệ thống giáo dục và dạy nghề, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo…

Tiến sĩ Bùi Trung Hưng, khoa lý luận chính trị, ĐH Thủ Dầu Một: Đô thị hóa gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa

Bình Dương, từ một vùng đất thuần nông, có nhiều khó khăn do chiến tranh để lại, đã có những bứt phá rất ngoạn mục, đô thị hóa đạt tốc độ cao gần như nhất cả nước, với cả những thành tựu và hạn chế đáng quan tâm. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa vùng đang đứng trước những thách thức cần được nhận rõ để hội nhập, phát triển mà không đánh mất những giá trị cốt lõi.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của đô thị hóa nhanh và giữ gìn bản sắc văn hóa của Bình Dương, cần có một hê thống các giải pháp, tác động đồng bộ nhiều mặt.

Thạc sĩ Lê Tuấn Anh, trường ĐH Thủ Dầu Một: Chính sách nhà ở xã hội

Toàn tỉnh hiện có trên 700.000 lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm khoảng 85%, nên nhu cầu về nhà ở rất cao. Nhiều doanh nghiệp đã và đang xây nhà bán, cho công nhân lao động thuê. Trong đó, dự án nhà ở xã hội tỉnh giai đoạn 2011-2015 do Becamec IDC làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng. Khi dự án hoàn thành sẽ có khoảng 65.000 căn hộ phục vụ cho 164.000 người.

Để thúc đẩy chương trình nhà ở xã hội,  tỉnh cần rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư, chấp nhận loại bỏ những dự án nhà ở xã hội chậm hoặc không triển khai. Điều tiết quỹ đất tại một số khu đô thị, để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, tái định cư. Nhà nước cần sớm có hỗ trợ nguồn vốn cho người lao động vay để mua nhà với lãi suất thấp… mua được căn hộ riêng coi như một khoảng đầu tư của người lao động vào quá trình đô thị hóa.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Châu, Chi cục Bảo vệ môi trường Sở TN&MT: Phát triển đô thị cần quan tâm đến quản lý môi trường

Chính sách mở cửa và thu hút đầu tư đã giúp cho kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh. Hệ quả của quá trình phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa, CNH đã và đang diễn ra mạnh mẽ.

Để bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa, CNH ở Bình Dương thì việc nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong quản lý môi trường và KCN là nhu cầu cấp bách, mà công cụ phục vụ cho công tác quản lý phát triển đô thị và KCN chính là bản đồ quy hoạch môi trường đô thị và KCN.

A.Sáng (ghi)

 

H.Thái

Từ khóa: