Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững

Thứ năm, ngày 07/12/2023

(BDO) Nhu cầu sử dụng nông sản sạch, nhất là các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao (CNC), sản xuất hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Điều này đồng nghĩa sức cạnh tranh của nông sản sạch cũng tăng trên thị trường. Do đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu, tạo lối đi rộng mở cho nông sản Bình Dương.

 Nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ là hướng đi tất yếu trong sản xuất. Trong ảnh: Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây rau ăn lá ở phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát

 Tạo mọi điều kiện để phát triển

Bên cạnh việc tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại, tiên tiến, Bình Dương còn quan tâm xây dựng những chủ trương, giải pháp cụ thể để phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất CNC. Theo đó, tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học - công nghệ trong doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển đồng bộ nông nghiệp - nông dân và nông thôn, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã dần định hình và phát triển theo hướng hiện đại, bền vững hơn.

Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, Bình Dương đã đi lên trở thành nền nông nghiệp sản xuất hiện đại, ứng dụng mạnh CNC. GDP nông nghiệp chỉ chiếm 3% trong tỷ trọng kinh tế của tỉnh, song Bình Dương có tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC. Hiện Bình Dương có tổng số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 Đông Nam bộ và thứ 5 cả nước, tổng diện tích ứng dụng CNC trong trồng trọt toàn tỉnh hơn 5.760 ha; trong đó diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172 ha, với nhiều loại cây trồng có giá trị được ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến.

Đến nay, Bình Dương đã hình thành 4 khu nông nghiệp ứng dụng CNC, gồm: Khu nông nghiệp (KNN) ứng dụng CNC An Thái (huyện Phú Giáo), KNN CNC Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên), KNN CNC tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo), KNN CNC tại phường Vĩnh Tân (TX.Tân Uyên)... Các KNN CNC ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tưới và nhiều loại máy móc cơ giới hóa trong sản xuất giống, thâm canh cây trồng, vật nuôi... Trong đó, KNN CNC An Thái - Unifarm là đơn vị đi đầu với các sản phẩm như chuối, nhãn, dưa lưới… đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, mà còn có mặt ở nhiều thị trường nước ngoài.

Để có những kết quả đó, tỉnh đã có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC và hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp. Các mô hình đầu tư sản xuất ứng dụng CNC được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, hạn mức vay ưu đãi từ 80-90% tùy theo quy mô của phương án đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng CNC. Đến nay, có hơn 100 phương án được Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh ký hợp đồng tín dụng với tổng vốn phê duyệt trên 700 tỷ đồng.

Hướng đi tất yếu

Có thể nói, việc sản phẩm nông nghiệp hữu cơ dần quen thuộc với đại đa số người tiêu dùng đã tạo ra hướng đi mới, bền vững cho nhiều nông dân, doanh nghiệp sản xuất. Xác định đây là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, nhiều dự án nông nghiệp hữu cơ với vốn đầu tư lớn đã được hình thành.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Bình Dương đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng CNC, phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn trái đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ở các huyện phía Bắc. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh cho các loại cây trồng chủ lực, như cao su, hồ tiêu, bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, măng cụt, rau, hoa...

Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm trên 30%; diện tích đất trồng nông sản thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20%.

Một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển nông nghiệp của tỉnh là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp CNC, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Trọng tâm của định hướng này là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp Bình Dương, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Cụ thể, tăng cường nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Đặc biệt, thông qua các chính sách khuyến khích, Bình Dương nỗ lực tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò chủ lực trong phát triển sản xuất CNC tạo ra những đột phá rõ nét cho ngành nông nghiệp Bình Dương.

 Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Từ thực tế thời gian qua có thể khẳng định, việc phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch, nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP đang và sẽ là hướng đi tất yếu trong sản xuất, thay đổi diện mạo và nâng tầm phát triển nông nghiệp của tỉnh”.

 THOẠI PHƯƠNG - HƯƠNG THẢO