Hướng đến mô hình “Chính quyền điện tử” - “Hải quan vô hình”
Hệ thống thông quan điện tử một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) do Nhật Bản tài trợ đã giúp Hải quan Việt Nam nói chung, Hải quan Bình Dương nói riêng tiến lên một bước cao về cải cách, hiện đại hóa của ngành hải quan trong công tác nghiệp vụ, đồng thời phù hợp với tiêu chuẩn của Hải quan thế giới (WCO). Tuy nhiên do thực tế khách quan, vẫn còn một số loại thủ tục, giấy tờ, tờ khai, chứng từ “con” chưa được điện tử hóa làm doanh nghiệp phải tiếp tục mang hồ sơ đến cơ quan hải quan nộp bản chính và lưu hồ sơ.
(BDO)
Bộ phận xuất nhập khẩu Công ty TNHH Yuma Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II) làm thủ tục khai báo hải quan và nhận kết quả ngay tại văn phòng công ty. Ảnh: LÊ XUYỀN
Với sự nỗ lực cải cách, hiện đại hóa, hướng đến mô hình “Chính quyền điện tử” - “Hải quan vô hình”, Cục Hải quan Bình Dương đã vận dụng sáng tạo ứng dụng theo Nghị định 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ để áp dụng vào Thông tư 38 của Bộ Tài chính “Điện tử hóa” các phần việc còn lại.
Không ngừng hoàn thiện
Thành công của việc triển khai VNACCS/VCIS tại Hải quan Bình Dương là sự nỗ lực vượt bậc của tập thể cán bộ, công chức trong toàn đơn vị và những nỗ lực đó đã được Tổng cục Hải quan ghi nhận, khen thưởng là một trong 5 đơn vị điển hình của toàn ngành hải quan. Hệ thống này không chỉ mang lại tiện ích, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp mà còn đưa ngành hải quan lên nấc thang chuyên nghiệp, phù hợp chuẩn mực quốc tế theo đúng tuyên ngôn của Hải quan Việt Nam là “Chuyên nghiệp - Minh bạch - Hiệu quả”.
Ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là góp phần nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh Năm 2015, Hải quan Bình Dương đã thực hiện vượt mốc 1 triệu tờ khai với kim ngạch xuất nhập khẩu 34,74 tỷ USD; thu nộp ngân sách đạt 10.304 tỷ đồng. Nhờ duy trì và làm tốt công tác cải cách - hiện đại hóa, tăng cường đối thoại, hướng dẫn mà khó khăn của doanh nghiệp ngày càng giảm; công tác xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ngày càng thuận lợi; cùng với đó số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Bình Dương mở tờ khai hải quan ngày càng nhiều. |
Thực hiện “Chính phủ điện tử”, Hải quan Việt Nam đã gặp phải một số khó khăn khách quan. Ông Huỳnh Trịnh Thanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Mỹ Phước, trực tiếp quản lý Đội Hải quan Khu liên hợp cho biết: “Hiện nay, tại chi cục chúng tôi nói riêng và các chi cục trực thuộc Cục Hải quan Bình Dương nói chung, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện khai báo hải quan điện tử một cửa thông qua VNACCS/VCIS đã gần như phủ sóng hết. Tỷ lệ này cho thấy, Hải quan Bình Dương đã đạt mức độ “vô hình” từ lâu. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn 37 loại giấy tờ chứng từ như thông báo hủy tờ khai, bổ sung tờ khai, thanh lý thiết bị… hệ thống không hỗ trợ nên doanh nghiệp phải đem hồ sơ giấy đến cơ quan hải quan để nộp lưu, xác nhận, chứng thực và đóng dấu. Phần còn lại này nếu so với thành công chung của VNACCS/VCIS là không lớn, nhưng là nỗi day dứt, trăn trở của ngành”, ông Thanh nói.
Hiện nay, tuy ngành hải quan chưa yêu cầu, cũng chưa đưa ra lộ trình giải quyết dứt điểm phần còn lại nói trên nhưng với trách nhiệm nghề nghiệp, lãnh đạo Cục Hải quan đã vận dụng sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin theo Nghị định 43/2011/ NĐ-CP của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến áp dụng vào Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan nhằm giải quyết dứt điểm phần còn lại nói trên trong việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Trong khi đó, 37 loại dịch vụ công còn lại được chia làm 2 nhóm theo phân cấp: Cấp cục thực hiện 9 thủ tục, cấp chi cục thực hiện 28 thủ tục với 22 loại hình dịch vụ công áp dụng mức độ 3 và 6 loại dịch vụ công áp dụng mức độ 4. Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Mỹ Phước được chọn thí điểm thực hiện điện tử hóa 9 thủ tục trong thời gian 1 tháng. Kết quả, cả phía doanh nghiệp và cán bộ, công chức hải quan đều rất hài lòng vì dễ thực hiện, nhanh, gọn, tiết kiệm. Kết quả này đã được Cục Hải quan Bình Dương tổng kết và sẽ triển khai đến tất cả chi cục trực thuộc áp dụng trong tháng 4 này.
Doanh nghiệp hài lòng
Để thực hiện 37 thủ tục còn lại như đã nêu trên, doanh nghiệp chỉ cần vào website http://www. haiquanbinhduong.gov.vn tải phần mềm hoặc đăng ký, gởi trực tuyến và nhận được kết quả chỉ trong vài phút. Để chứng minh cho sự nhanh chóng, tiện ích đó, ông Huỳnh Trịnh Thanh đã mở lại nhật ký còn lưu trên hệ thống và cho biết nhật ký có ghi: “14 giờ 43 phút 43 giây, hệ thống tiếp nhận hồ sơ từ Công ty TNHH Cheng Long Việt Nam. Cán bộ tiếp nhận là Lê Thị Xuân Mai trình lãnh đạo phê duyệt lúc 14 giờ 45 phút 32 giây”. Bộ hồ sơ nói trên được giải quyết chưa đầy 2 phút.
Chia sẻ với phóng viên Báo Bình Dương, ông Thanh cho biết, thông tin trên được hệ thống tiếp nhận nên ai cũng biết. Vì vậy, không có chuyện cán bộ tiếp nhận cố tình “ém” hay kéo dài thời gian xử lý. Đây chính là giá trị đặc biệt mà ngành đang hướng đến đó là “Chính phủ điện tử” và “Hải quan vô hình”. Tất cả thao tác, thời gian, cán bộ xử lý đều được lưu lại trên máy; lý do từ chối tiếp nhận xử lý cũng được hệ thống ghi nhận cụ thể, rõ ràng.
Bà Trần Thái Khánh Duy, cán bộ xuất nhập khẩu Công ty TNHH Yuma Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II) cho biết, khai báo hải quan điện tử vừa nhanh chóng vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thứ. Nhưng thủ tục vẫn còn kẹt lại một số quy định như khai bổ sung doanh nghiệp phải cầm tờ khai bản chính lên trụ sở hải quan để xác nhận và lưu vào hồ sơ. Trong khi đó, 1 ngày doanh nghiệp phát sinh 10 vấn đề thì cán bộ phụ trách xuất nhập khẩu phải đi lại 10 lần. Nhờ có chương trình hỗ trợ hành chính công trực tuyến của Hải quan Bình Dương nên doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí đi lại.
37 thủ tục hành chính công được điện tử hóa gồm: Thủ tục mở rộng, thu hẹp kho ngoại quan; thủ tục thanh lý hàng gửi kho ngoại quan theo đề nghị của doanh nghiệp; thủ tục tiêu hủy hàng gửi kho ngoại quan theo đề nghị của doanh nghiệp; thủ tục mở rộng, thu hẹp kho CFS, đăng ký danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế; thủ tục cấp lại Danh mục hàng hóa nhập khẩu miễn thuế và Phiếu theo dõi trừ lùi; thủ tục gia hạn nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt…
Doanh nghiệp, khách hàng chỉ cần có chữ ký số đã đăng ký trên hệ thống thì dễ dàng thực hiện theo mẫu hoặc khai báo trực tiếp trên website của Hải quan Bình Dương.
DUY CHÍ - LÊ XUYỀN