Hũ mắm nêm của mẹ
Cô con gái đi sinh nhật bạn về vẻ mặt không được vui. Người mẹ hỏi có chuyện gì thế. Cô bé kể rằng mình tặng quà sinh nhật cho người bạn là một quyển sách và món quà ấy đã làm cô mất mặt. Sau tiệc sinh nhật, mọi người yêu cầu nhân vật chính mở quà. Đến món quà tặng của cô, bỗng dưng người ấy lật bìa sau quyển sách lên xem giá tiền khiến cô… hụt hẫng đến tận khi về nhà.
Người mẹ hỏi cô con gái rằng bạn của con có thích đọc sách không. Cô bảo cô cũng chẳng biết bạn ấy có yêu văn chương hay không, chỉ vì đọc cuốn sách thấy hay quá nên cô quyết định dùng làm quà tặng sinh nhật cho bạn.
Người mẹ nhẹ nhàng phân tích, bạn của con rõ ràng là thiếu tế nhị khi “cân đong” giá trị món quà trước mặt người tặng cho mình như thế. Về phần con, con cũng thiếu sự quan tâm đến sở thích của người khác khi tặng món quà mà không thấu hiểu được người nhận có thật sự yêu thích nó hay không.
Người mẹ kể cho cô con gái nghe câu chuyện ngày mình về làm dâu được mẹ chồng dạy cách làm món mắm nêm đặc sản ở quê mình. Do chưa có kinh nghiệm nên hũ mắm đầu tiên cô làm không được ngon. Sợ mẹ chồng chê vụng về, cô mang về nhà, tặng bà con lối xóm mỗi người một ít.
Không may cho cô, sau đó mẹ chồng biết được, rầy cho một trận nhớ đời. Chưa hết, bà bắt cô phải làm lại hũ mắm khác thật ngon để làm quà cho những người cô đã tặng lần trước với lời xin lỗi thật chân thành.
Quà tặng chứa đựng tình cảm của người tặng trong đó cho nên tặng quà là cả một nghệ thuật. Tặng cho ai, tặng cái gì, tặng như thế nào đều cần khéo léo. Tặng quà sao cho đẹp lòng người, trước hết phải thể hiện sự tôn trọng của người tặng.
MINH HOÀNG