HTX mây tre lá Ba Nhất: Đưa “đồ bỏ” chinh phục thị trường thế giới
Gần 40 năm kể từ ngày thành lập, Hợp tác xã (HTX) mây tre lá Ba Nhất (TX.Tân Uyên) gắn liền với hình ảnh bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX. Năm 2013, bà Cúc vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba; là một trong 100 gương mặt tiêu biểu được Liên minh HTX Việt Nam trao tặng cúp vàng “Vì cộng đồng” và Hội Doanh nhân nữ quốc tế Los Angeles chọn trao giải thưởng của năm 2013 cho những người nữ doanh nhân trên thế giới có đóng góp cho xã hội và giúp cho nhiều doanh nhân nữ khác thành công.
Từ những nguyên liệu bằng cây cỏ, HTX Ba Nhất đã đem đến no ấm, hạnh phúc cho nhiều gia đình. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Đưa sản phẩm đến hơn 30 nước
(BDO) Trò chuyện với bà Cúc về những năm tháng thăng trầm đã qua, bà cho biết để phát triển HTX mây tre lá Ba Nhất đến thành công như hôm nay thật sự là một quãng đường dài đầy nghị lực và lòng nhân ái. Ngày mới tham gia HTX, bà được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm. Lúc đó không nghề, không vốn, không lao động, không kinh nghiệm làm ăn… bà Cúc đã đối mặt với vô vàn khó khăn.
Dưới sự “lèo lái” HTX Ba Nhất của bà, từ các loại mây, tre, lá buông cho đến lục bình, bẹ chuối, giấy vụn, những thứ bị xem là “đồ bỏ” trước đây, dần trở thành sản phẩm tiêu dùng vượt qua những tiêu chuẩn ngặt nghèo, đàng hoàng bước vào mạng lưới siêu thị của các nước ở châu Âu, châu Mỹ… Hiện nay, sản phẩm của HTX Ba Nhất với hàng ngàn mẫu mã đã có mặt tại hơn 30 nước trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của HTX đạt trên 10 triệu USD; đồng thời tạo việc làm cho trên 30.000 lao động nông thôn trong cả nước không vốn, không phương tiện sản xuất và cả những người lầm lỡ.
Giúp nhiều mảnh đời kém may mắn
Khi đến tham quan phòng mẫu sản phẩm của HTX Ba Nhất, nhiều khách hàng được chị Phan Thị Mỹ Tiên đón tiếp và hướng dẫn ân cần. Ở HTX, ai cũng biết cô nhân viên nói tiếng Anh lưu loát này từng là một cô bé bán vé số nghèo khổ từ Tiền Giang lên TP.HCM kiếm tiền chữa bệnh nan y cho cha. Sau đó, bà Cúc đưa Tiên về HTX cho học việc và học kiến thức phổ thông. Khi trở thành công nhân chính thức, chị Tiên tiếp tục được đi học Anh văn; sau đó ba em gái của chị cũng được vào HTX làm việc. Chồng của chị cũng là công nhân của HTX này. Vợ chồng chị và các em gái được bố trí ở tại phòng nội trú của HTX, cuộc sống nhờ đó mà dần ổn định. Chị Tiên bày tỏ: “Nếu tôi không có may mắn vào đây làm, gia đình tôi không có được như ngày hôm nay. Công nhân làm ở đây có thể dành tiền lương để tích lũy vì các chi phí ăn ở, tiền học cho con đã được HTX lo gần hết”.
Phân xưởng sản xuất của HTX Ba Nhất ở phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên rộng 7 ha là nơi sản xuất, trưng bày sản phẩm và là nhà ở cho các xã viên. Làm việc ở đây, mỗi gia đình còn được cấp 1 căn nhà nhỏ; có những gia đình hiện nay con cái đã lớn, được tạo điều kiện đi học và trở về làm việc cho HTX. Sau gần 40 năm hoạt động, HTX Ba Nhất như mái nhà chung của nhiều trẻ cơ nhỡ, người tàn tật, lầm lỡ. Nhờ mái nhà chung này mà nhiều người đã thành đạt tại HTX, trở thành kiến trúc sư, doanh nhân…
Bà Cúc chia sẻ, từ Ba Nhất có nghĩa là ba thương: Thương đất nước nhất; thương người nghèo nhất và thương rác rưởi nhất. Thương đất nước nên không bỏ nước ra đi; thương người nghèo nên tìm cách giúp người ta thoát nghèo; thương rác rưởi nên biến rác rưởi thành đô la để nuôi người nghèo. Đó chính là phương châm sống mà bà đã thực hiện trong suốt quãng đời gắn bó với HTX mây tre lá Ba Nhất.
QUỲNH NHIÊN