Họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hai Bộ trưởng trả lời chất vấn
(BDO)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Sáng 15/8, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 1 ngày, được tổ chức kết nối truyền hình trực tuyến tới 62 đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo chương trình, buổi sáng, đại biểu Quốc hội chất vấn các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Buổi chiều, đại biểu chất vấn nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là phiên chất vấn thứ tư được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Trên cơ sở tổng hợp các đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội, cân nhắc các lĩnh vực đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian qua và việc trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cũng như yêu cầu của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại phiên họp này.
Trong buổi sáng, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về ba nhóm vấn đề.
Thứ nhất là việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật; giải pháp kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Nhóm vấn đề thứ hai là thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhóm vấn đề thứ ba là thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản và công tác giám định tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây đều là những vấn đề rất cấp thiết được cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Có 34 đoàn đại biểu Quốc hội trực tiếp đề xuất chuyên đề này, gắn chặt với hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
"Phiên chất vấn sẽ là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc; đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác lập pháp, xây dựng, triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm; hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp tại Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn cũng giúp nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp Trung ương Đảng khóa XIII.
Trong buổi chiều 15/8, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về các vấn đề: giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản trong điều kiện thị trường đầu ra đang bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giải pháp gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và việc xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay.
Theo Chủ tịch Quốc hội, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có những nội dung được Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới và thực tế vẫn đang là trụ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế; đồng thời ngành cũng cần tổ chức triển khai hiệu quả, đồng bộ nghị quyết, chiến lược, kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, nên việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực này là hết sức cần thiết và kỳ vọng sẽ có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn, tạo sự bứt phá cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Với thời gian chất vấn chỉ trong một ngày, các nhóm vấn đề chất vấn có phạm vi rộng, nhiều vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm sâu sắc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, đảm bảo khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Ngay sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp./.
Theo TTXVN