Hợp tác, ứng dụng công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng hiện đại
(BDO) Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024, vấn đề tích hợp chuỗi cung ứng, xây dựng chuỗi cung ứng hiện đại hơn được doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Trung Quốc dành nhiều sự quan tâm. Trong đó, các DN Trung Quốc đặt yêu cầu cao trong đổi mới quản lý vận hành, áp dụng IT, đào tạo nguồn nhân lực.
Tích hợp để phát triển
Bà Bùi Phương Dung, Thành viên Hội đồng Women in Tech Việt Nam chủ trì phiên họp tích hợp chuỗi cung ứng để phát triển, khẳng định đại dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng đối với hệ thống chuỗi cung ứng, phục hồi chuỗi cung ứng là một vấn đề quan trọng cần tìm cách tháo gỡ. Thực tế chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục tồn tại khi các ngành công nghiệp vẫn có nhu cầu về sản phẩm. Các câu hỏi lớn cần giải quyết như điều gì là cần thiết để tăng tính sẵn có và khả năng phục hồi của chúng? Các DN Việt Nam và Trung Quốc điều chỉnh thế nào để tái thiết chuỗi cung ứng? Những trở ngại nào cản trở sự phát triển trong tương lai? “Tích hợp chuỗi cung ứng, xây dựng chuỗi cung ứng hiện đại hơn sẽ là vấn đề mà các DN Trung Quốc và Việt Nam cần bàn bạc để đi đến thống nhất, nâng tầm cao mới trong hợp tác phát triển”, bà Bùi Phương Dung cho biết.
Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tiếp, làm việc và chụp ảnh lưu niệm với Đoàn Liên đoàn Kinh tế Công nghiệp Trung Quốc (CFIE). Ảnh: QUỐC CHIẾN
Các DN đều cho rằng kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, đã và đang chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, tối ưu hóa sản xuất và chi phí, xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm phân tán và giảm thiểu rủi ro đang hiện diện mạnh mẽ, nhiều cơ hội và thách thức đan xen đặt ra cho Việt Nam. Vì vậy, việc tập trung phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sau đại dịch Covid-19 là rất cần thiết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Jiang Yu, CEO Foretech, Trung Quốc, cho biết trong điều kiện biến động lớn đang diễn ra trên toàn cầu như hiện nay, tất cả các nước phải giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia cụ thể, đồng thời tăng tính linh hoạt của chuỗi cung ứng. “Chúng ta phải có chính sách quản lý hàng hóa, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng; linh hoạt sản xuất, đưa ra dự đoán cơ hội, nguy cơ từ chính nguồn lực của mình. Cần ứng dụng công nghệ blockchain, AI… để trao đổi thông tin về DN, hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng, cải thiện hệ thống cung ứng… Trong đó cần đột phá công nghệ trong chống đánh cắp dữ liệu của DN”, ông Jiang Yu nhấn mạnh.
Trước những ý kiến của các DN Bình Dương là làm sao để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, phát triển chuỗi cung ứng bền vững với các đối tác đáng tin cậy, ông Mu Guorong, Chủ tịch Huijie Supply Chain Technology Co., Trung Quốc, cho rằng: “Về phát triển chuỗi cung ứng cần tìm hiểu kỹ đối tác; dự lường nguy cơ khó khăn trong tìm kiếm tệp khách hàng, phát triển mô hình quản lý hoàn thiện. Các DN cần điều tra thị trường kỹ, đối tác tốt tại Trung Quốc lẫn Việt Nam để tiết kiệm chi phí. Quan trọng nhất cần nắm rõ các vấn đề về luật, giao thông, thời gian vận chuyển, giảm thiểu chi phí. Với đối tác cần chia sẻ công nghệ, cải thiện chính sách, nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng trôi chảy”.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tích hợp chuỗi cung ứng toàn cầu chiều 14-4
Đối với chuỗi cung ứng thực phẩm và nông nghiệp, thế mạnh xuất khẩu của DN Việt đối với thị trường Trung Quốc, ông Mu Guorong cho rằng cần thông tin về các đối tác, phương thức vận chuyển, thị trường để phát triển cung ứng. Trong đó, DN cần khảo sát, định hướng thị trường, khẩu vị vùng miền vì Trung Quốc rất rộng lớn.
Đa phương thức logistics
Ông Mu Guorong cho rằng các DN Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề phát triển logistics với Trung Quốc. Trong đó, cần xây dựng tuyến đường sắt với Trung Quốc. Việc hợp tác này phía Trung Quốc có kinh nghiệm rất lớn về kỹ thuật, để Việt Nam dựa trên chiến lược riêng mình. Bình Dương cũng cần có những tuyến đường sắt nội ô từ các khu công nghiệp để tiết giảm chi phí vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng hệ thống cảng, cửa khẩu gắn với vấn đề an ninh, an toàn; liên kết đường bộ và đường sắt để tiết kiệm thời gian và chi phí; phát triển kho logistics; ứng dụng năng lượng xanh... Cần ứng dụng công nghệ vào việc xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu gắn với vấn đề an ninh mạng, bảo mật tệp khách hàng.
Các DN Việt rất cần được chia sẻ thông tin về thị trường Trung Quốc
Ông Mu Guorong cho rằng từ chính thực tế trong ứng dụng công nghệ phát triển đa phương thức logistics, công ty của ông đã tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa vận hành đến 50% nhân lực, tăng 60% công suất. Với việc quản lý nguyên vật liệu, kho xưởng, thông tin khách hàng phải xây dựng bức tường lửa. “Đối với DN Việt để có thể phát triển đa phương thức logistics cần thêm việc minh bạch thông tin, hạn chế chi phí trung gian, an toàn số liệu để kiểm soát hành vi vừa lừa đảo; hệ thống mạng đủ mạnh, bảo đảm không bị gián đoạn; nhân lực đủ mạnh có thể vận hành máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật; tăng cường trao đổi giao lưu, kết hợp để phát triển hiệu quả chuỗi cung ứng”, ông Mu Guorong cho biết.
TIỂU MY