Hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội lớn
25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng gần 120 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1994 lên hơn 60 tỷ USD năm 2018. Điều đáng nói, cùng với mối quan hệ giữa hai bên ngày càng tốt đẹp trong thời gian gần đây, các hoạt động thương mại, đầu tư giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đang có nhiều cơ hội tăng trưởng cao hơn nữa trong thời gian tới.
(BDO)
Xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Bình Dương vào Hoa Kỳ ngày một tăng cao. Trong ảnh: Gốm sứ được sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác Costco (Hoa Kỳ) tại Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long
Hoạt động giao thương 2 bên ngày càng lớn
Thông tin từ Bộ Công thương, kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết Hiệp định Thương mại song phương (BTA) vào tháng 7-2000, thương mại 2 chiều giữa hai nước đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đạt 47,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với năm trước; thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng tới 19,52% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ở chiều ngược lại, năm 2018 cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ tăng mạnh. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa từ Hoa Kỳ đạt trị giá 12,753 tỷ USD, tăng tới 36,4% so với năm 2017 (năm 2017 đạt 9,349 tỷ USD). Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội Natasha Ansell, cho biết việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hòa Kỳ đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ phát triển tại thị trường Việt Nam. Nổi bật, hoạt động đầu tư của các Tập đoàn GE, CocaCola, Microsoft, IBM, Nike, ExxonMobil… đã góp phần giúp Việt Nam có một chỗ đứng ngày càng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đối với Bình Dương, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng có những đóng góp đáng kể trong biểu đồ xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ của cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh qua thị trường này là giày da, dệt may, gỗ, gốm sứ… Chia sẻ về tầm quan trọng của thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Văn Lê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết kể từ khi BTA được ký kết, nhiều người trong ngành đã dự đoán Hoa Kỳ sẽ là thị trường chủ lực của ngành da giày Việt Nam. Quá trình phát triển thương mại của ngành này giữa hai nước trong những năm qua đã chứng minh điều đó. Chính vì thế, hiệp hội luôn mong muốn tăng cường hàng hóa vào thị trường này để gia tăng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, cũng cho biết hiện nay, hầu hết các công ty gốm sứ sản xuất đồ lớn (sân vườn) trên địa bàn tỉnh như Phước Dũ Long, Kim Phát, Minh Phát, Tân Toàn Phát đều xem Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực. Việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ của các doanh nghiệp gốm sứ Bình Dương được bắt đầu từ khoảng hơn 10 năm trước thông qua các nhà phân phối lớn của châu Âu. Tuy nhiên, những năm gần đây, do việc tự do hóa thương mại ngày càng cao, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đã có thể tự xuất khẩu trực tiếp cho đối tác Hoa Kỳ và tham gia hàng chục hội chợ, triển lãm do Hoa Kỳ tổ chức.
“Công ty Phước Dũ Long xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ khoảng từ 350 - 400 container mỗi năm, thu về khoảng hơn 3 triệu USD và chúng tôi đặt mục tiêu đạt hơn 1.000 container trong thời gian tới. Có thể nói, Hoa Kỳ đã dần trở thành thị trường xuất khẩu chính của chúng tôi”, ông Tín phấn khởi cho biết.
Tăng cường hợp tác đầu tư
Tính đến nay, Bình Dương đã thu hút được hơn 900 triệu USD vốn đầu tư từ Hoa Kỳ. Nước này cũng xếp thứ 6 về vốn trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Bình Dương. Hầu hết các dự án đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Bình Dương tập trung vào các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường.
Thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ giai đoạn 2007-2018
Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Bình Dương là một trong những tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt nhất tại Việt Nam hiện nay, cùng với đó nguồn nhân lực dồi dào và có đội ngũ lãnh đạo năng động, cầu thị, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài ra, việc đặt nhà máy sản xuất tại Bình Dương cũng phục vụ rất tốt nhu cầu mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới cho doanh nghiệp do Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhận rõ tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đầu tháng 11-2015, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Am Cham Việt Nam) đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương khai trương văn phòng đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ tại tòa nhà Becamex IDC (TP.Thủ Dầu Một). Bà Mai Hoàng, Chủ tịch Am Cham Việt Nam, cho biết ngoài các chương trình hợp tác song phương, Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng tham gia nhiều tổ chức quốc tế và các hiệp định thương mại quan trọng nên nhu cầu tìm hiểu môi trường đầu tư, tìm kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng trong thời gian tới là rất cao.
Với việc hai nước ngày càng mở rộng quan hệ, doanh nghiệp Hoa Kỳ ngày càng mong muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Việt Nam. Đó cũng chính là cơ sở vững chắc để đặt kỳ vọng lớn hơn vào quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Bà Virginia B.Foote, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), nhận định: “Làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam đang có dấu hiệu tăng cao trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong điều kiện có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc và một số nước Đông Á về Việt Nam trong năm vừa qua. Chúng tôi cho rằng, với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, chính quyền luôn nỗ lực cải cách hành chính, Bình Dương sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung”.
Đối tác xuất khẩu số 1 của Việt Nam
Số liệu thống kê của cơ quan hải quan cho thấy, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 12 năm qua (2007-2018) đạt trung bình 17,4%/năm, trong đó xuất khẩu tăng bình quân 16,2%/năm và nhập khẩu tăng bình quân 23,8%/năm.
Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), giá trị xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mới đạt gần 11,8 tỷ USD nhưng đến năm 2018, con số này đã lên đến hơn 60 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 47,52 tỷ USD, gấp 5 lần; nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ đạt 12,75 tỷ USD, gấp 8 lần so với năm 2007. Như vậy, rõ ràng nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đã tận dụng được những lợi ích từ quan hệ song phương tốt đẹp giữa hai nước để tăng cường hoạt động xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam.
Chỉ trong tháng 1-2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 5 tỷ USD, tăng tới 42,1% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong tháng 1-2019, cả nước nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Hoa Kỳ trị giá 1,076 tỷ USD. Như vậy, tháng 1, nước ta xuất siêu hơn 4 tỷ USD đối với bạn hàng quan trọng này.
Với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, hiện Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20% trong tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Đồng thời, nền kinh tế lớn nhất thế giới này là thị trường đứng thứ 5 về cung cấp hàng hóa cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng 5% trong tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của nước ta. Tính chung về quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu, Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 3 trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại thương với Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).
M.NGUYỄN
KHÁNH VINH