Hợp tác phát triển thương mại, xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ

2024-08-02 07:58:00

Đông Nam bộ là vùng kinh tế có nhiều lợi thế phát triển sản xuất và thương mại. Để phát huy hết tiềm năng và thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, vùng Đông Nam bộ đang tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối, xúc tiến thương mại, logistics, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ…

 Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Dương chia sẻ tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ

 Khai thác có hiệu quả hơn

Tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ ngày 31-7, với sự tham gia của 6 tỉnh, thành, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, cho rằng để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thếphát triển của vùng, Đông Nam bộ cần phải thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại vàxuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp. Muốn vậy, vùng Đông Nam bộ cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ đô la Mỹ. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Bên cạnh những kết quả tích cực, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, vùng Đông Nam bộ đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đócónhững vấn đề, như: Tốc độ phát triển của vùng thời gian qua chưa tương xứng so với tiềm năng; đóng góp của vùng trong GDP cả nước đang có xu hướng giảm, trong khi các tiềm năng dư địa, lợi thếcòn đang rất nhiều nhưng chưa khai thác hết.

“Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗtrợ phát triển chậm; phân bố khu chếxuất, khu công nghiệp chưa hợp lý (khu vực trung tâm vẫn tập trung các khu công nghiệp cần nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp). Đồng thời, chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực”, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ TP.Hồ Chí Minh cùng với cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phối hợp, tận dụng các nguồn lực tự nhiên (đặc biệt là mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm...), các hiệp định thương mại tự do (FTA), các chính sách hiện có để đẩy mạnh liên kết và theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh bền vững tạo nên lợi thếcạnh tranh.

“Khi các tỉnh, thành trong vùng cùng nhau hợp tác sẽ tạo ra một thị trường nội địa rộng lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất với quy mô lớn hơn, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc liên kết vùng cũng giúp tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, chia sẻ kinh nghiệm, hình thành các chuỗi cung ứng hiệu quả, từ đó nâng cao vị thếcủa các sản phẩm hàng hóa của vùng trên thị trường quốc tế”, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Tăng liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển

Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, cho rằng có một thực tếcần phải nhìn nhận là hầu hết sản phẩm vùng Đông Nam bộ chưa xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu qua trung gian hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.

Để có thể thực hiện được các mục tiêu của chiến lược tổng thể, giữ vững được vị trí xuất khẩu cao, Bình Dương đề xuất xây dựng thương hiệu chung vùng Đông Nam bộ cho 4 hàng hóa chủ lực của vùng dựa trên lợi thếcủa các tỉnh, thành địa phương: Gỗ, giày da, nông sản và các sản phẩm công nghệ.

Bà Phan Thị Khánh Duyên đề xuất, vùng cần tạo ra nội lực hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm IoT, trí tuệ nhân tạo, để tạo khung pháp lý xây dựng, triển khai các nhiệm vụ… tạo lợi thếphát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Trong đó, đánh giá điểm chung và riêng của các địa phương khi phát triển công nghiệp công nghệ thông tin để liên kết, hỗtrợ nhau cùng phát triển phù hợp với xu thế.

Chia sẻ về phát triển hạ tầng logistics tại địa phương nói riêng và khu vực nói chung, ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh BàRịa - Vũng Tàu, cho rằng Bà Rịa - Vũng Tàu từ lâu đã là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tếtrọng điểm Đông Nam bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Nam. Trong giai đoạn sắp tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu.

“Tuy nhiên, việc phát triển mạng lưới logistics đồng bộ rất cần sự hỗtrợ của cơ quan Nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Trong đó có cơ chế, chính sách vượt trội để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics, hình thành các doanh nghiệp logistics lớn, hoạt động chuyên nghiệp. Song song đó, cần nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường ở cả trong nước, khu vực và quốc tế”, ông Lê Văn Danh chia sẻ.

 Ngày 4-5-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 370/QĐ- TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Báo Bình Dương