Hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển
(BDO) Đông Nam bộ là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc hợp tác và hỗ trợ nhau cùng phát triển không ngoài mục tiêu tạo lập không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của từng địa phương và toàn khu vực. Cũng từ đó, phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và chung tay giải quyết các vấn đề lớn, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, giải quyết khó khăn, vướng mắc vì sự phát triển chung của khu vực.
Nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng Đông Nam bộ, các tỉnh, thành trong vùng luôn tích cực đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Với Bình Dương, mô hình phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ là một lựa chọn đặc sắc, đóng vai trò chiến lược, nhằm nâng cấp hệ thống quy hoạch đô thị và hệ thống công nghiệp của tỉnh. Việc cải tạo, xây dựng các đô thị hiện hữu, cải tạo toàn diện hệ thống giao thông, tạo ra bước đệm để lan tỏa công nghiệp lên phía bắc, tạo ra dư địa để phát triển thương mại - dịch vụ và khoa học công nghệ ở phía nam. Đây chính là sự khác biệt để Bình Dương có thể phát triển công nghiệp trên diện rộng toàn tỉnh, cũng như lan tỏa mô hình của mình ra nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Cuối tháng 12-2022, công trình đường và cầu kết nối Bình Dương và Tây Ninh là một ví dụ cụ thể. Việc hoàn thành công trình góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương. Không chỉ là kết nối giữa tỉnh Tây Ninh và Bình Dương, mà mở ra một hướng kết nối mới, không gian phát triển mới cho khu vực đến các trung tâm kinh tế, chính trị, đầu mối giao thông lớn của vùng, đến các cửa khẩu quốc tế. Với Tây Ninh, công trình mở ra một hướng mới để tiếp cận các trung tâm vận tải thủy, bộ và hàng không. Đặc biệt, tuyến hình thành một hành trình mới giúp chia sẻ, chu chuyển hàng hóa trong vùng thuận lợi; đồng thời, tuyến còn góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh cho vùng và khu vực.
Việc thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam bộ và giữa các địa phương với nhau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương; mở ra cơ hội mới để phát triển cho từng địa phương và cả vùng. Đây còn là một tầm nhìn chiến lược quan trọng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
NHẬT HUY