Hợp tác, giữ vững vị thế của ngành gỗ xuất khẩu
(BDO)
Nhiều DN ngành gỗ Việt Nam đang tiến hành làm báo cáo giải trình gửi DOC. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An
Chưa có phán quyết
Theo thông tin từ VIFOREST và BIFA, ngày 17-6-2020, trên cơ sở cáo buộc của ngành sản xuất trong nước, DOC khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam nhằm bảo đảm hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗdán cứng của Trung Quốc. Ngày 25-7-2022, DOC đã công bố kết luận sơ bộ của vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Kết luận sơ bộ của DOC cho rằng gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc. Gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc sản xuất tại Việt Nam hoặc tại các nước khác không bị áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Căn cứ kết luận sơ bộ này, DOC sẽ đề nghị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) tiếp tục dừng thanh khoản và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp tiền đặt cọc bằng mức thuế chống lẩn tránh tạm tính đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ kể từ ngày 17-6-2020 đối với các trường hợp là đối tượng bị áp dụng biện pháp. DOC cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tham gia cơ chế tự xác nhận để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh. Cơ chế tự xác nhận này sẽ không áp dụng đối với các doanh nghiệp (DN) mà DOC đánh giá là không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của DOC trong quá trình điều tra. Theo tính toán, số lượng các DN được tham gia tự chứng nhận chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn điều tra.
Các bên liên quan có quyền nộp bình luận bằng văn bản đối với kết luận sơ bộ của DOC và văn bản đề nghị tổ chức phiên điều trần đối với các nội dung bình luận phải được nộp lên DOC trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo kết luận sơ bộ. DOC cũng dự kiến tiến hành thẩm tra để xác minh thông tin trước khi ban hành kết luận cuối cùng. VIFOREST đã phối hợp cùng Cục Phòng vệ thương mại gửi nội dung bình luận của hiệp hội và của Bộ Công thương về kết luận sơ bộ này lên DOC để hỗ trợ, đồng thời hướng dẫn các DN liên quan về các quy định điều tra tiếp theo của DOC.
Như vậy, tới thời điểm này, DOC chưa có quyết định cuối cùng rằng sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Theo thông báo mới nhất, DOC gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc này đến ngày 17-10-2022.
Đối với vụ việc DOC điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ (cụ thể tủ bếp/tủ nhà tắm) nhập khẩu từ Việt Nam, trên cơ sở cáo buộc của ngành sản xuất trong nước, ngày 24-5-2022, DOC đã khởi xướng điều tra phạm vi sản phẩm (Scope Ruling) và ngày 7-6-2022, DOC đã khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (Anti-circumvention) với sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia. Theo quy định mới của Hoa Kỳ, trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng, DOC phải ra kết luận cuối cùng của vụ việc, có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá 365 ngày.
Doanh nghiệp Bình Dương hợp tác
Ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco) cho biết, mục đích chính của phía Mỹ khi điều tra để cảnh báo DN gỗ Việt Nam ít dùng nguyên liệu từ Trung Quốc, do hai nước này đang chiến tranh thương mại, mà trong khi đó phía Mỹ lại đang nhập khẩu nhiều sản phẩm gỗ từ Việt Nam. Phía DOC cảnh báo hầu như toàn bộ DN gỗ xuất khẩu sang Mỹ và tập trung vào những DN có số lượng xuất lớn. Trong số những DN bị cảnh báo có 40 DN lớn với lượng xuất khẩu nhiều vào thị trường Mỹ. Các DN như: Công ty Cổ phần Cẩm Hà, Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An, Saigon River Factory, Công ty TNHH Tân Phước, Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco), Công ty TNHH Giang Minh… đang tiến hành làm báo cáo giải trình gửi DOC.
“Các DN đang tiên phong để giải trình với phía Mỹ theo một form chuẩn vì đơn giản họ xuất qua Mỹ là chính nên muốn làm bài bản để không ảnh hưởng sau này. Tuy nhiên, đến nay phía Mỹ chưa có nêu một tiêu chuẩn cụ thể là mỗi sản phẩm có bao nhiêu tỷ lệ được sử dụng nguyên liệu của Trung Quốc. Vì thế việc làm một form đúng chuẩn mà phía Mỹ yêu cầu sẽ mất thời gian, phải làm nhiều lần bởi mỗi DN sẽ có một khó khăn riêng. Tuy nhiên chúng tôi xác định đây là một nguy cơ hiện hữu và Việt Nam nên làm đúng bài bản để không bị ảnh hưởng khi xuất khẩu”, ông Hiệp cho biết. Được biết, hiện Mifaco và nhiều các DN đã đề nghị VIFOREST làm việc lại với DOC để giãn thời gian gửi báo cáo.
TIỂU MY - CẨM TÚ