Hợp tác để giữ vững an ninh lương thực
Một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu rất có thể xảy ra trong tương lai không xa.
Bóng ma thiếu lương thực
Trong khi đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế từ 4 năm nay, thế giới lại bị bóng ma của cuộc khủng hoảng lương thực ám ảnh. An ninh lương thực trở nên vô cùng cấp bách trong những năm gần đây cho hơn 7 tỉ người trên thế giới. Có lẽ hơn lúc nào hết, thế giới đã nhận thức rõ ràng một nguy cơ mới ngày càng hiện hữu, đó là một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu rất có thể xảy ra trong tương lai không xa, đặc biệt khi dân số thế giới đang tiến nhanh tới mốc 9 tỉ vào năm 2050.
Cùng với các cuộc khủng hoảng chính trị hay khủng hoảng kinh tế, thời gian gần đây trên các diễn đàn quốc tế, người ta nhắc nhiều đến cụm từ “khủng hoảng lương thực”. Mặc dù, hiện nay, cả thế giới chưa rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng như trong hồi năm 2007-2008 này nhưng đây là một nguy cơ có thể trở lại bất cứ lúc nào nếu các quốc gia và cộng đồng quốc tế không nhanh chóng phối hợp hành động để đối phó với tình trạng giá lương thực đang tăng cao.
Châu Phi vẫn là điểm nóng về đói nghèo Mới đây, Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế và Chương trình Lương thực Thế giới đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nước và cộng đồng quốc tế nhanh chóng phối hợp hành động để đối phó với tình trạng giá lương thực tăng cao, có nguy cơ trở thành thảm họa đối với hàng chục triệu người trên phạm vi toàn cầu.
Tuyên bố chung của các cơ quan này cho biết thị trường lương thực thế giới đang trong tình trạng hết sức đáng lo ngại, khi giá ngô, lúa mì và đỗ tương tăng tới 40%, trong khi nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp chủ chốt trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Kazakhstan, Nga và Ukraine đang bị thiệt hại nặng do điều kiện thời tiết không thuận lợi, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008.
Các diễn đàn quốc tế diễn ra thời gian gần đây cũng đưa vấn đề an ninh lương thực lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng quốc tế để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra. Thông cáo chung tại Hội nghị cấp cao toàn cầu về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Hà Nội nhấn mạnh: An ninh lương thực đã, đang và sẽ là vấn đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, khi mà sản lượng lương thực toàn cầu phải tăng ít nhất 70% vào năm 2050 để đủ nuôi sống 9 tỉ người trên thế giới. Các quốc gia cần phải chung tay hợp tác hành động hơn nữa để đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó biến đổi khí hậu.
Ông Hans Hoogeveen, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới Hà Lan đề nghị: “Chúng ta cần triển khai và hành động nhiều hơn nữa để người nông dân, khu vực tư nhân sẽ thực sự tham gia vào quá trình thay đổi đó. Chúng ta cần cung cấp thông tin cho người nông dân, đưa người nông dân giữ vai trò tiên phong để họ đưa ra những giải pháp và quyết định. Chúng ta cần đảm bảo người nông dân có thể tiếp cận được những công nghệ, cơ hội đào tạo, nguồn tài chính để họ có thể thực hiện được lý tưởng, ước mơ của họ. Để làm như vậy cần nâng cao năng lực, duy trì thông tin cung cấp cho người nông dân. Đồng thời phải nhân rộng mô hình thành công.”
Vấn đề “an ninh lương thực” cũng làm “ nóng” Diễn đàn kinh tế Châu Á Thái Bình Dương – APEC diễn ra cuối tuần qua tại Liên bang Nga. Tại Diễn đàn này, Tổng thống nước chủ nhà V. Putin nêu rõ: hơn bao giờ hết, an ninh lương thực đang trở thành một thách thức lớn toàn cầu. Kể từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007 - 2008, giá lương thực luôn ở mức cao và dự báo sẽ biến động đến năm 2020. Hiện nay, vẫn còn khoảng 1 tỷ người dân trên thế giới sống trong nghèo đói, trong đó 60% là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Do đó, Hội nghị đã nhất trí tiếp tục triển khai tích cực các biện pháp hợp tác bảo đảm an ninh lương thực trên cơ sở cách tiếp cận đa ngành, trong đó coi trọng tăng đầu tư cho nông nghiệp, tăng sản lượng và năng suất sản xuất lương thực, hợp tác công – tư, áp dụng công nghệ mới… Các nhà lãnh đạo cũng đề xuất thúc đẩy hợp tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phát triển các thị trường nông sản minh bạch và ổn định...
Nguyên nhân khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng lương thực 2007-2008 chưa thực sự lặp lại, song từ những thực tế mà chúng tôi vừa tổng hợp có thể thấy sự bất ổn lương thực toàn cầu vẫn đang hiện hữu. Nhìn lại những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực trong năm 2007-2008 để rút ra các bài học và nhìn nhận rõ hơn những thách thức của bài toán lương thực mà thế giới đang phải đối mặt có lẽ là rất cần thiết để thoát khỏi một kịch bản xấu có thể xảy ra trong tương lai.
Đẩy mạnh sản xuất lương thực trên quy mô lớn là giải pháp bền vững 1. Sự bùng nổ của sản xuất nhiên liệu Sinh học để đối phó với giá dầu mỏ tăng cao khiến nhiều người dân ở Mỹ và một số vùng khác bỏ lúa quay sang trồng ngô để chiết xuất thành năng lượng thay thế (như ethanol) làm thị trường thế giới trở nên “đói gạo”. Theo tính toán của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc, tình trạng lãng phí lương thực, ước tính gây thiệt hại tới 1/3 sản lượng lương thực toàn cầu hàng năm.
2. Giá xăng dầu tăng cao đẩy giá phân bón và các chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng lên. Trong khi đó nạn đầu cơ lương thực đã làm giá lương thực bị đẩy lên. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến khủng hoảng lương thực năm 2007-2008 trở nên trầm trọng hơn. Mới đây nhất, với mong muốn tránh lặp lại "cuộc khủng hoảng bánh ngô" năm 2007, Chính phủ Mexico đã thu mua mặt hàng này với số lượng lớn lên đến hơn 1,5 triệu tấn ngô. Chiến thuật của Mexico có thể dẫn đến tình trạng các quốc gia khác, vốn đang lo ngại về vụ hạn hán trầm trọng diễn ra tại Mỹ, cũng thu mua ồ ạt, khiến giá của loại lương thực này tăng cao.
3. Nhiều quốc gia áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lương thực cũng là một nguyên nhân đẩy giá lương thực lên cao và dẫn đến các nước phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Nhiều nhà phân tích và hoạch định chính sách tin rằng, sự thiếu hụt nhỏ lương thực trong năm 2007-2008 đã chuyển thành khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong vòng 30 năm là kết quả từ việc cấm xuất khẩu từ một số quốc gia. Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách vẫn lo ngại rằng, bài học từ cuộc khủng hoảng lương thực 2007-2008 vẫn chưa có hiệu quả.
4. Cùng với những nguyên nhân từ thị trường thì những nguyên nhân xã hội cũng đang khiến cho “kho lương thực” của thế giới ngày càng bị thu nhỏ lại. Trong hơn 10 năm qua, mức tăng dân số cao hơn mức tăng sản lượng lúa gạo khiến cho nhu cầu lương thực ngày càng cao.
5. Sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, hạn hán, sâu bệnh khiến cho mùa màng ở nhiều nơi trên thế giới bị thiệt hại nặng nề. Australia là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới nhưng nạn hạn hán đã làm cho nông nghiệp bị thất bại. Hạn hán, sâu bệnh cũng xảy ra liên tiếp ở Mỹ, Nam Phi, Châu Âu, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ…càng khiến cho sản lượng lương thực sụt giảm và giá tăng cao.
6. Sự khủng hoảng thiếu hụt lương thực là do sự đầu tư thiếu hụt cho nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư rất yếu cho khâu nghiên cứu các loại cây lương thực. Trong 15 năm gần đây, phần lớn các quốc gia chỉ chú trọng vào phát triển những ngành công nghiệp kỹ thuật cao mà lơ là (nếu không nói là bỏ quên) đối với ngành nông nghiệp. Cụ thể là vốn cho sản xuất nông nghiệp bị thiếu thốn nghiêm trọng và càng trở nên tồi tệ hơn đối với các nước chậm phát triển.(một ví dụ điển hình là: Các nước chậm phát triển ở miền Nam Sahara chỉ sử dụng 1% viện trợ phát triển nước ngoài cho sản xuất nông nghiệp), trong khi đó thì viện trợ nông nghiệp Quốc tế cũng dần dần giảm xuống… Sự chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp từ các nước phát triển cho các nước đang phát triển và các nước nghèo cũng không được quan tâm chú ý… Ngay trong một số Quốc gia, Chính phủ cũng không coi nông nghiệp là ngành được ưu tiên.
7. Nền kinh tế toàn cầu phát triển mạnh, một số Quốc gia còn phát triển quá nóng. Người ta thu hẹp diện tích canh tác lúa gạo để lấy đất xây dựng đường xá, khu công nghiệp, khu dân cư, khu du lịch… nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn nông nghiệp. Điều đó đã làm cho sản lượng lúa giảm đi.
Thách thức vẫn còn
Có thể nói, thế giới hiện nay đã đối phó tốt hơn với những thách thức về lương thực so với 5 năm trước, khi đề ra được những chính sách và công cụ mới cho lĩnh vực nông nghiệp và thị trường nông sản. Tuy nhiên, nhìn vào những nguyên nhân và bài học từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008 vừa được điểm lại, có thể thấy rằng, rất nhiều nguyên nhân dẫn đến một khủng hoảng lương thực vẫn chưa thực sự được giải quyết hiệu quả và triệt để, thậm chí nhiều khu vực đang giẫm lên “vết xe đổ” của cuộc khủng hoảng trước. Rõ ràng, thế giới còn quá nhiều việc phải làm để có thể đảm bảo và duy trì an ninh lương thực trong thời gian tới.
Hai thách thức lớn nhất hiện nay cần giải quyết là: giá nông sản tăng cao ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người nghèo, đặc biệt những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và trong tương lai, các nước cần tìm giải pháp lâu dài cho sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ lương thực nhằm thích ứng với sự thay đổi về dân số, nhu cầu và sự biến đổi khí hậu ngày một gia tăng. Để giải quyết những thách thức này, các cơ quan về lương thực và nông nghiệp của quốc tế đặc biệt lưu ý rằng trong trường hợp giá lương thực tăng cao, các nước nên tránh việc mua vào quá ồ ạt, gây hoảng loạn trên thị trường, các nước sản xuất chủ chốt cũng không áp đặt hạn chế xuất khẩu, để có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực.
Chương trình Lương thực Thế giới ước tính, giá lương thực cứ tăng 10% nghĩa là thế giới cần có thêm 200 triệu USD/năm để hỗ trợ lương thực. Thế giới hiện rất dễ bị tổn thương, kể cả khi sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt với điều kiện thời tiết thuận lợi, bởi chỉ có một số ít nước sản xuất lương thực lớn, trong khi mỗi năm dân số toàn cầu tăng thêm tới 80 triệu người.
Giải pháp căn cơ
Có thể nói, giải pháp tốt nhất cho thế giới hiện nay là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, nhất là ở các nước nghèo và các nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Các nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp và an sinh xã hội, xem xét và điều chỉnh các chính sách hiện hành, trong bối cảnh thị trường lương thực toàn cầu chịu áp lực tăng giá và các nguồn cung đang giảm dần. Để cho 9 tỷ người có đủ lương thực vào năm 2050, thì các nước hiện đang sản xuất 1 tấn/ha sẽ phải sản xuất 2 tấn/ha. Điều này chỉ có thể đạt được khi mà thu nhập của người nông dân tăng lên, do đó khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp. Nếu không đến năm 2050 sẽ không chỉ có 1 tỷ người đói (tương đương dân số Ấn Độ) mà sẽ là 2 tỷ người đói.
Thêm vào đó, vấn đề an ninh lương thực có được đảm bảo hay không còn phụ thuộc vào “tầm nhìn xa trông rộng” của lãnh đạo mỗi quốc gia. Liệu có bao nhiêu chính trị gia Mỹ đủ can đảm để kết thúc tất cả các chính sách khuyến khích nguồn cung ngô bị lãng phí cho việc sản xuất cồn ethanol? Liệu các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia khác có chịu thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp?
Thực tế, hiện nay, rất nhiều quốc gia đã giảm đầu tư cho nghiên cứu về nông nghiệp tại các trường đại học và các cơ sở quốc tế. Đây thực sự là 1 sai lầm. Một tỷ USD dành cho nghiên cứu nông nghiệp có thể tạo ra nhiều tỷ các lợi ích trong việc nuôi sống con người và giải quyết được các cuộc khủng hoảng lương thực. Việc cân đối giữa an ninh năng lượng và an ninh lương thực cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Nhiều chuyên gia lương thực cho rằng, các nước cần tiến hành sửa đổi chính sách để đặt an ninh lương thực lên hàng đầu và cân nhắc tới những hệ quả đối với con người và môi trường khi phát triển năng lượng sinh học.
Ngày hôm nay, thế giới không đủ lương thực để nuôi sống 7 tỷ người. Làm thế nào để thế giới có thể cung cấp đủ lương thực cho 9 tỷ người vào năm 2050? Và trước mặt làm sao để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ như đã xảy ra cách đây 5 năm? Đó là những câu hỏi không dễ có đáp án, tuy nhiên thế giới có thể đối phó những nguy cơ này nếu như có những hành động cấp thiết và những chính sách phù hợp.
Theo VOV