Hợp tác, cùng phát triển
(BDO) Từ ngày 10 đến 14-11, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Thành phố mới Bình Dương (WTC EXPO), UBND tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2022. Sự kiện đã và đang được kỳ vọng sẽ là cầu nối hữu hiệu cho các nhà sản xuất, các đơn vị cung ứng ngay tại địa phương giới thiệu nhu cầu, quảng bá sản phẩm dịch vụ, công nghệ mới, tạo cơ hội để các doanh nghiệp (DN) gặp gỡ và tiếp xúc trực tiếp với nhau, tạo sự gắn kết, hợp tác, phát triển. Qua đó thiết lập và khai thác mối quan hệ giao thương giữa khối DN nước ngoài và trong nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Sự kiện này sẽ có các hoạt động gặp gỡ với các nhà cung ứng, các hội thảo chuyên đề, như “Kết nối cung - cầu từ truyền thống đến hiện đại”, “Cơ hội cung ứng sản phẩm ra thị trường quốc tế”, “Marketing 4.0: Truyền thống sang kỹ thuật số”… nhằm hỗ trợ, hướng dẫn, giới thiệu các DN vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh và các đơn vị cung ứng hàng hóa tham gia giao thương, hình thành chuỗi cung ứng.
Nhìn nhận từ thực tế, thời gian qua, ngành công nghiệp Bình Dương có phát triển lớn mạnh song chuỗi cung ứng địa phương chưa xứng tầm. Hội nghị cung cầu lần này chính là cơ hội để các DN trong nước nâng cao tính tự chủ, tự xây dựng và quảng bá hình ảnh, năng lực của mình để phát triển tính liên kết. Và hơn thế, đây là dịp để tạo điều kiện phát huy vai trò dẫn dắt của các DN FDI, phát triển nền công nghiệp tỉnh nhà, dẫn đến tình trạng “độc lập” giữa khu vực FDI và khu vực trong nước. Đặc biệt nhất là đối với các ngành công nghiệp nặng, tạo ra nền tảng vật chất cho nền kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, hiện sản xuất trong nước phụ thuộc phần lớn vào linh kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp, đồng thời dễ bị tổn thương trước những biến động.
Trong thời gian tới, bên cạnh các cơ hội gặp gỡ, để các mối liên kết, hợp tác kinh doanh giữa DN FDI và DN trong nước đi vào chiều sâu, các DN cho rằng UBND tỉnh cần tổ chức nhiều hơn các hội nghị, hội thảo, đưa ra giải pháp đột phá để cải thiện và thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ giữa các DN trong nước và DN FDI… Được biết, Sở Công thương hiện đang phối hợp các sở ngành xây dựng cơ sở dữ liệu và nỗ lực cập nhật thông tin về các DN FDI, các DN cung ứng nội địa với mục tiêu cập nhật các tiêu chuẩn về dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin và định mức kinh tế kỹ thuật, có tính tương thích, chia sẻ thông tin và an toàn giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN.
Các DN trong nước cũng đã đến lúc chủ động vươn lên, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chuẩn của DN FDI. Theo đó, DN trong nước cần đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, bảo đảm chất lượng và đáp ứng được yêu cầu đặt hàng. DN trong nước cần ứng dụng khoa học, công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị… để tham gia sâu và hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
KHẢI ANH