Họp mặt truyền thống Trung đoàn 27
(BDO) Sáng 21-4, tại nhà anh Huỳnh Văn Đức (con trai bà Huỳnh Thị Sáu - tên thường gọi má Sáu Ngẫu) ở phường An Thạnh, TX.Thuận An, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 27 tại TP.HCM và miền Đông Nam bộ tổ chức họp mặt truyền thống, tri ân và giao lưu nhân vật trong cuốn sách “Ngọn đèn trong bão lửa” của tác giả Phạm Xuân Trường. Tham dự có Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học quân sự Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học quân sự Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và cựu chiến binh Trung đoàn 27 viếng mộ má Sáu Ngẫu.
Tại buổi họp mặt, Trung tá Trần Đình Nhâm, nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Bộ binh 6, Trung đoàn 27, cho biết, tháng 2-1968, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã thành lập Trung đoàn Bộ binh 27 để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam (nay là Trung đoàn 27, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1). Từ năm 1968-1974, Trung đoàn 27 tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị thuộc mặt trận B5, trực tiếp giải phóng 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng, Quảng Trị. Đến đầu năm 1975, nằm trong đội hình 320B, Quân đoàn 1, Trung đoàn hành quân thần tốc, vượt 1.700km tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời khắc lịch sử ngày 30-4, nếu không có tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn và những thông tin má Sáu Ngẫu cung cấp kịp thời, có lẽ đến hôm nay, lịch sử anh hùng của Trung đoàn 27 đã phải viết lại. Vì vậy, dịp 30-4 hàng năm, các cựu chiến binh Trung đoàn 27 vượt hàng ngàn cây số từ mọi miền của Tổ quốc về đây để cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và dâng hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu, bà má miền Nam có công với nước, với Trung đoàn.
Dịp này, tác giả Phạm Xuân Trường cũng ra mắt cuốn sách “Ngọn đèn trong bão lửa” viết về má Sáu Ngẫu. Tác phẩm gồm 2 phần. Phần một miêu tả cuộc đời má Sáu Ngẫu trong thời kỳ hoạt động bí mật rất ác liệt mà điểm nhấn khép lại chính là chiến công vào đêm 29-4-1975, khi Trung đoàn 27 (Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1) đến xã Thuận Giao đã tiếp nhận từ má Sáu Ngẫu tấm bản đồ đô thành Sài Gòn với đầy đủ các chi tiết đánh dấu đường đi, vị trí đóng quân, bố trí các trận địa, các chốt hỏa lực… Phần hai viết về ký ức của đồng đội, người thân về má Sáu Ngẫu.
THU THẢO