Honda Air Blade 125 - lấy công nghệ làm điểm mạnh
Air Blade là một trong những cái tên có sức hút nhất trên thị trường xe máy hiện tại. Một thay đổi nhỏ cũng nhận đánh giá chi li của cả người thích và không thích. Honda hiểu rõ điều này và sau phiên bản 2011 không có nhiều ấn tượng, hãng xe Nhật quyết tâm tung ra thế hệ mới với những cải tiến lớn nhằm lấy lại những gì mà Nouvo thế hệ 5 đã giành được.
Những chi tiết mập mạp trên Air Blade 2011 được gọt giũa cho mảnh mai hơn dù chiều rộng tăng từ 680 mm lên 687 mm. Phần mũi xe không còn quá cồng kềnh khi nhìn từ vị trí người lái. Cụm đèn pha bè đã gọn gàng và hấp dẫn nhờ cặp đèn thấu kính đôi khá bắt mắt, một xu hướng mà Yamaha khơi mào trên Nouvo.
Cụm đồng hồ cũng trẻ trung với cách bố trí đồng hồ trung tâm to bản. Những người chê trách Honda tiết kiệm nay có thể thỏa mãn phần nào với đồng hồ điện tử hiển thị thời gian, lượng xăng trong bình và công-tơ-mét. Sự áy náy duy nhất ở thiết kế mới là phần đuôi hơi cụt so với bánh, vì thế nhìn từ phía sau Air Blade 125 không mạnh mẽ như phần đầu, không trường xe như Air Blade 2010.
Air Blade 125 với thiết kế sắc hơn Air Blade 2011Bấm nút đề, xe khẽ rung. Động cơ nổ êm như đàn anh PCX125. Honda đang tận dụng công nghệ tích hợp máy phát với bộ đề trên động cơ 125 nhằm mang tới quá trình khởi động êm ái. Với sức mạnh tăng từ 9 mã lực lên 11 mã lực, mô-men xoắn từ 9,5 Nm lên 11,2 Nm, Air Blade 125 cho cảm nhận năng động và giàu sức mạnh hơn hẳn đời 2011.
Vít ga, xe vọt lên 40 km/h nhẹ nhàng, không chút gằn gừ. Nếu Air Blade 2011 chỉ thoát khi đi trên 30 km/h thì ở bản mới, Air Blade sẵn sàng tăng tốc ở các dải tốc độ khác nhau. Từ 40 lên 50 hay 60 chỉ cần một cú xoay nhẹ, xe có độ cân bằng tốt, tư thế lái thẳng lưng và chỗ để chân rộng rãi. Nouvo vốn luôn hơn Air Blade ở đặc tính bốc ở "nước sau" giờ đây gặp phải một phiên bản đáng gờm. Những cú vẩy ga giúp Air Blade thoát đám đông không kém cạnh. Phản ứng tay ga nhạy hơn nên chủ nhân có thể thoải mái thể hiện cá tính.
Giảm xóc trước vẫn dạng telescopic nhưng không còn tiếng "kịch" khi đi qua chỗ xóc. Tuy nhiên khi giảm tốc, tiếng láp vẫn khá lớn và hầu hết các dòng xe tay ga dưới 50 triệu đều mắc lỗi này. Cặp đèn thấu kính.
Sự hào hứng của khách hàng ngoài động cơ còn có công nghệ tiết kiệm nhiên liệu Idling Stop. Khi dừng quá 3 giây, động cơ sẽ ngắt và tự khởi động lại khi người lái nhích ga. Nếu PCX125 đời đầu chỉ ngắt động cơ khi cảm nhận có người ngồi thì Air Blade 125 ngắt cả động cơ khi chủ nhân không chạm yên. Khoảng thời gian 3 giây hơi quá ngắn so với những tình huống giao thông Việt Nam nên đôi khi người lái phải chủ động nuôi ga để xe đỡ thay đổi trạng thái quá nhiều.
Nếu không thích người lái có thể chọn chế độ Idling, xe sẽ vận hành liên tục như bình thường. Khi ở Idling Stop, đèn báo xanh sẽ sáng. Chế độ Idling Stop không hoạt động khi vòng tua không tải ở quá cao hoặc quá thấp. Khác với đời trước, Air Blade có thể chỉnh ga-lăng-ti và thêm cần khởi động. Cốp Air Blade 125 để đủ một mũ bảo hiểm nửa đầu, phần thêm phía sau khá hẹp dành cho áo mưa hay những thứ mỏng tương tự.
So với đời cũ, Honda phân biệt các phiên bản rõ ràng hơn, nhằm tăng khả năng tiếp cận khách hàng. Bản tiêu chuẩn không có tem, chìa khóa thường. Bản cao cấp nhất gắn tem thể thao và chìa khóa có chức năng tìm xe trong bãi rất thiết thực.
Mức giá đề xuất của Honda dành cho các bản thường, cao cấp, đặc biệt lần lượt là 38, 39 và 40 triệu đồng. Nhưng vấn đề muôn thưở của Air Blade vẫn là tình trạng giá bán thực tới tay người tiêu dùng cao hơn đề xuất. Hiện tượng này luôn bị người tiêu dùng phản ứng tiêu cực, dù Air Blade có độ tin cậy đến đâu.
Theo VNE