Hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm: Cần giải pháp đồng bộ

Thứ năm, ngày 15/06/2023

(BDO)

Lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong những tháng đầu năm 2023, có 509.903 người (khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng việc làm, đáng chú ý là trong đó có tới hơn 54% lao động bị thôi việc, mất việc. Tình trạng lao động bị mất việc làm vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện, trong tháng 6/2023, một số doanh nghiệp vẫn có kế hoạch cho lao động nghỉ việc.

Ngành sản xuất vẫn tiếp tục cắt giảm lao động

Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), Thành phố Hồ Chí Minh (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người). Lao động mất việc làm cũng chủ yếu trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử…

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá việc cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là vì lý do kinh tế, khó khăn ở việc tìm kiếm, phát triển thị trường nước ngoài, doanh nghiệp gặp khó khăn tập trung vào doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.

Dự báo về thị trường lao động trong nửa cuối năm 2023, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng còn phụ thuộc vào việc cập nhật kịch bản tình hình kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức đều cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn sẽ còn chịu tác động của tình hình chính trị trên thế giới, lạm phát, giá cả tăng cao…

Mặc dù vậy, theo ông Phạm Ngọc Toàn, thị trường lao động sẽ vẫn có những điểm sáng trong khu vực dịch vụ khi Trung Quốc mở cửa trở lại cho phép những lĩnh vực này tăng trưởng. Bức tranh thị trường lao động tại khu vực dịch vụ và xây dựng sẽ có những triển vọng tốt về thị trường lao động khi Chính phủ triển khai hiệu quả các gói đầu tư công, nhưng cũng có những tiêu cực do nhu cầu sản xuất hàng hóa của Việt Nam đi các nước bị hạn chế.

“Theo kết quả dự báo của chúng tôi, một số ngành, lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trên thị trường dẫn đến giảm lao động như ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, một số ngành có giá trị xuất khẩu lớn…” ông Phạm Ngọc Toàn nhận định.

Chi 23.000 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho lao động

Tình trạng lao động bị cắt giảm vẫn chưa dừng lại. Mới đây, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam do gặp khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh vì thiếu các đơn hàng mới đã thông báo tiếp tục thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với 5.744 lao động; trong đó đợt 1 sẽ chấm dứt vào ngày 24/6 với 4.519 người, đợt 2 sẽ chấm dứt vào ngày 8/7 với 1.225 lao động.

Trong số lao động chấm dứt hợp đồng có trên 80% nữ giới, đặc biệt có tới 50% lao động từ 40 tuổi trở lên, khoảng 45% lao động từ 21 đến 40 tuổi, khoảng 60% lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên. Phần lớn người chấm dứt hợp đồng là lao động phổ thông.

Những lao động nữ trên 40 tuổi bị cắt giảm đối mắt với nguy cơ khó có thể quay lại thị trường lao động, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường lao động không mấy khả quan. Trong bối cảnh đó, các chính sách hỗ trợ đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với những lao động nữ trên 40 tuổi, lao động trong những ngành nghề chưa có dấu hiệu phục hồi.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận ngành dệt may, da giày có tới hơn 80% là lao động nữ, do đó thời gian vừa qua mất việc làm, giãn việc chủ yếu rơi vào lao động nữ.

“Dòng người 3 triệu lao động mất việc phải chuyển về địa phương vừa qua cũng phần đông là người mẹ đem theo con,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay. 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, điều đáng lo ngại hơn cả là một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã làm bào mòn phần tích lũy của người lao động, do đó họ sẽ càng ngày càng chật vật hơn. Đây là vấn đề cần phải quan tâm kịp thời.

Hiện Chính phủ đã có 3 giải pháp để chăm lo cho công nhân: Thứ nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất; thứ hai là tạo việc làm ổn định; thứ ba là thực hiện các chính sách đang có một cách tốt nhất như: Chính sách đối với người lao động thôi việc, mất việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động...

Đối với lao động nữ trên 40 tuổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh lao động 40 tuổi năng suất thấp, khi cắt giảm lao động thì bao giờ ông chủ cũng nhằm vào những đối tượng này, do đó cần chủ động đào tạo từ sớm, từ xa để người lao động nữ khi chuyển việc hoặc thất nghiệp thì có thể bố trí việc mới.

“Trường hợp lao động khi không tìm được việc phải trở về địa phương thì đề nghị các địa phương có cơ chế, chính sách để hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm công hoặc việc làm thủ công để người lao động nữ có thể thích ứng trong bối cảnh mới,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Liên quan đến việc ban hành chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động trong bối cảnh hàng trăm nghìn lao động đang mất việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết năm 2023 số dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp còn 59.357 tỷ đồng và hiện nay Bộ Tài chính đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động từ nguồn kết dư này để trình với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội. Theo đó, gói hỗ trợ sẽ chi khoảng tầm 23.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho người lao động trong giai đoạn khó khăn này.

“Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến giải pháp hỗ trợ trong những giai đoạn khó khăn và sẽ bằng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động,” Hồ Đức Phớc khẳng định.

Như vậy, để lao động vượt qua khó khăn do bị ảnh hưởng việc làm sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc thực hiện tốt các chính sách hiện hành để tạo việc làm, giữ việc làm cho người lao động cho tới ban hành thêm các gói hỗ trợ trực tiếp cho người lao động./.

Theo TTXVN