“Hồn của đất”
(BDO) Tôi gặp chú Tám Giang tại lò lu Đại Hưng! Ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, chú dường như dành cả đời gắn bó với lò lu đã có hàng trăm năm tuổi này. Trải qua biết bao thăng trầm, lò lu Đại Hưng đã trở thành một phần lịch sử văn hóa của vùng đất và người Bình Dương…
Đất cũng có “linh hồn”
Uống ngụm trà xong, chú Tám Giang chỉ cho tôi con rạch, chỗ chiếc xuồng đang neo đậu. Đó là dấu tích còn lưu lại một thuở “trên ghe, dưới xuồng”. Con sông Sài Gòn đưa lối khách thương hồ khắp Nam Kỳ lục tỉnh về lò lu Đại Hưng giao thương. Và, nơi con rạch này là lối vào lò lu từ sông Sài Gòn. Vùng đất Bình Dương thuở xưa bạt ngàn mỏ đất sét, là cơ sở để nghề gốm phát triển. Khám phá những cổ vật tại vùng đất cù lao Rùa đã phát hiện đồ gốm có niên đại tới 3.000 năm lịch sử...
Các sản phẩm của Lò lu Đại Hưng một thời tấp nập “trên ghe, dưới xuồng”
Chú Tám Giang chia sẻ, từ Tân Uyên, Bến Cát…. đâu đâu cũng có mỏ cao lanh, nên nghề làm gốm, làm lu của Bình Dương ngày xưa phát triển rực rỡ. Thời hoàng kim của nghề làm lu vào những năm 80 của thế kỷ trước. Lu được các thương lái về đây thu mua, rồi phân phối khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ. Có khi lu được chở ra tận miền Trung, miền Bắc và cả xuất khẩu sang Campuchia.
Ngày nay, nghề làm lu đang bị cạnh tranh gay gắt bởi thị hiếu tiêu dùng đã thay đổi. Các vật dụng bằng kim loại, nhựa… dần thay thế chiếc lu được làm bằng đất sét. Nhưng nhắc tới lu, chắc hẳn không ít người phải bồi hồi. Hình ảnh chiếc lu chứa nước mưa trước hiên nhà, hay lu để đựng gạo… một thời biểu hiện cho sự no ấm, sung túc.
Chú Tám Giang hỏi: “có tin đất cũng có linh hồn không nhà báo?”. Tôi ngại ngùng vì chưa hiểu ý chú nói gì. Chú cười tươi rói rồi nói: Mỗi chiếc lu làm ra là sự tỉ mỉ, tận tâm của người thợ. Có khi họ đem cả cảm xúc, tâm hồn của mình vào cục đất… để có được một sản phẩm chất lượng, tinh xảo và bắt mắt người tiêu dùng.
Tôi chợt hiểu ra lý do vì sao chú Tám Giang quyết định để lò lu Đại Hưng cho hai người con trai tiếp quản. Thi thoảng nhớ nghề, chú lại về lò lu uống trà, lặng nghe mùi hương của đất, mùi của khói từ lò lu phả lên trời. Vì cả cuộc đời chú đã dành trọn cho đất, cho lu...
Những người lưu giữ “hồn của đất”
Anh Bùi Anh Tuấn, con trai chú Tám Giang nói, giờ người ta dùng bồn inox, bồn nhựa chứa nước. Nhu cầu có giảm, nhưng vẫn còn rất nhiều khách hàng ưa chuộng sử dụng lu. Hiện lò lu Đại Hưng vẫn đều đặn cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn sản phẩm mỗi năm.
Có hơn hai chục thợ làm lu đang làm việc. Tại đây, họ nhận việc theo khoán sản phẩm, không ăn lương. Để duy trì hoạt động của lò, Đại Hưng cũng sản xuất nhiều sản phẩm khác như ống thoát nước, ống khói. Bình quân 4 ngày, Đại Hưng đốt lò một lần. Khi chúng tôi tham quan lò lu, xe tải vẫn nối đuôi nhau tới lò nhập hàng về phân phối lại cho thị trường.
Cô Tư, người có đã gần 20 năm gắn bó với lò lu cho hay, trước kia cha cô cũng làm công nhân cho lò. Tới đời cô và con vẫn gắn bó với nghề làm lu. Các anh chị em công nhân ở đây xem nhau như người nhà, dù mỗi người đảm nhận một khâu riêng lẻ. Rất hiếm cơ sở sản xuất nào người ta xem như là nhà của mình như vậy. Cô Tư tâm sự, chỉ trừ khi bệnh cô mới không tới lò. Còn không, dù mưa gió vẫn đi làm.
Chị Tám cũng vậy, dù mới vào nghề 8 năm nhưng hơi đất, hơi bùn đã quen thuộc. Dù thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày nhưng mọi người ở đây vẫn yêu nghề, gắn bó với lò. Mỗi lần đốt lò, lòng họ lại hân hoan…. bởi đơn hàng vẫn còn, và khách tiêu dùng vẫn còn chưa quay lưng với lu.
Nói về nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thủy, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh không khỏi tiếc nuối: Trăm năm trước, ven sông Sài Gòn đối diện Chợ Thủ Dầu Một buôn bán tấp nập, hàng thủ công mỹ nghệ như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ, guốc gỗ… tạo ra sự thị vượng cho mảnh đất này. Nếu Sài Gòn - Gia Định có Bến Nghé, thì Bình Dương không thua kém bởi đã có chợ Thủ...
Phùng Hiếu