Hơn 6% số tê giác ở Nam Phi đã bị giết hại trong năm 2014
(BDO) Các vụ tàn sát tê giác ở Nam Phi mỗi năm càng trở nên tệ hại hơn, cho dù chính phủ nước này đã nỗ lực ngăn chặn nạn săn bắt thú. Chính phủ Nam Phi xác nhận rằng trong năm 2014 số tê giác bị giết một cách phi pháp đã lên đến mức kỷ lục.
Tê giác tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Tê giác và Sư tử ở Krugersdorp, phía bắc Johannesburg (Nam Phi).
Bộ trưởng đặc trách các Vấn đề về Môi trường Edna Molewa cho biết, trong năm 2014, số tê giác bị giết đã tăng lên 1.215 con, từ con số 1.004 con trong năm 2013.
Quỹ bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) ước tính Nam Phi là nơi có khoảng 20.000 con tê giác, tức là trên 80% số tê giác trên thế giới.
Khoảng 6% số tê giác ở Nam Phi đã bị giết hại trong năm 2014. Những con thú này bị săn bắt để lấy sừng, là món rất quý ở châu Á để làm thuốc. Sừng tê giác gồm toàn chất keratin, chính là chất có trong tóc và móng tay người. Theo một số chuyên gia, sừng tê giác có giá lên đến 100.000 USD/kg ngoài chợ đen.
Bà Molewa cũng nêu ra sự gia tăng trong những vụ bắt giữ những kẻ bị nghi là săn bắt lậu tê giác, lên tới 386 vụ. Nhưng theo các nhà bảo vệ môi trường, khi các nghi can bị bắt, họ thường "lọt" qua các kẽ hở của hệ thống luật pháp Nam Phi vốn "khét tiếng" là vô hiệu quả.
Một số nhà hoạt động tích cực đã kêu gọi quốc hội thay đổi các luật lệ, định ra những hình phạt nghiêm khắc hơn cho những kẻ săn bắt lậu tê giác.
Bà Molewa nêu rõ Nam Phi sẽ làm hết sức để bảo vệ tê giác và một trong các biện pháp đó là dời cư các con thú đó đến các địa điểm bí mật ở các nước láng giềng. Bà nói khoảng 100 con tê giác đã được di dời qua các quốc gia khác trong năm 2014, và dự báo thêm 200 vụ di dời khác trong năm 2015.
Theo WWF, vấn đề săn bắt lậu có nhiều mặt và liên quan đến các tổ chức tội phạm quốc tế, và vì thế, vấn đề này cần một giải pháp quốc tế.
Các nhà bảo vệ môi trường và các chính phủ sẽ có cơ hội thảo luận vấn đề này vào tháng 3/2015, tại hội nghị Liên chính phủ về Mua bán Động vật hoang dã Bất hợp pháp, ở Botswana./.
(Theo AFP/TTXVN)