Hơn 4.000 dự án điện mặt trời mái nhà có nguy cơ "đắp chiếu”

Thứ hai, ngày 03/04/2023

(BDO) Tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện công trình xây dựng, môi trường, phòng, chống cháy nổ theo quy định hiện hành. Qua rà soát toàn tỉnh có khoảng 90% dự án ĐMTMN không đủ điều kiện để tiếp tục khai thác bán điện. Nguy cơ lãng phí số tiền hơn 11.000 tỷ đồng doanh nghiệp (DN), cá nhân đầu tư cho các dự án trên địa bàn.

 Trên địa bàn tỉnh có tới hơn 4.000 dự án điện mặt trời mái nhà. Trong ảnh: Dự án điện mặt trời mái nhà tại tòa nhà văn phòng VSIP I

 90% dự án vướng quy định

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4.069 dự án/hệ thống ĐMTMN với tổng công suất 775.916 kWp. Trong đó, có 12 hệ thống tự sản xuất do EVN đầu tư và 4.057 hệ thống của các chủ đầu tư khác. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, qua rà soát toàn tỉnh còn có 4022 chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN chưa bổ sung hồ sơ pháp lý theo quy định. Như vậy, kể từ ngày 1-4-2023 sẽ có 90% hệ thống ĐMTMN tại Bình Dương sẽ bị dừng thanh toán, thậm chí sẽ tạm ngưng hợp đồng, tách đấu nối đối với các dự án chưa hoàn tất hồ sơ. Điều này đồng nghĩa sẽ có khoảng 4.000 dự án ĐMTMN có nguy cơ “đắp chiếu” vì không hội đủ các tiêu chuẩn, quy định liên quan.

Theo ngành điện, hiện qua khảo sát các dự án ĐMTMN tại Bình Dương không đủ điều kiện tập trung vào lĩnh vực xây dựng, môi trường và phòng cháy chữa cháy. Với đặc thù tận dụng mái che nhà xưởng để thi công, hầu hết các công trình ĐMTMN đều là hạng mục phát sinh sau khi nhà xưởng, công trình đã được cấp phép xây dựng, thẩm định phòng cháy chữa cháy cũng như đánh giá tác động môi trường của cơ quan chức năng.

Ông Trần Anh Toàn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng thông minh Việt Nam - Singapore (VSSES), cho biết một số dự án ĐMTMN của đơn vị đã phát tải trên lưới bán cho ngành điện nhưng tại một số thời điểm đơn vị nhận thông báo tạm ngừng phát vì đường dây quá tải. Là một trong những DN đến từ Singapore, VSSES được xem là tiên phong, tập trung hỗ trợ các giải pháp năng lượng thông minh, năng lượng tái tạo. Dự án đầu tiên của VSSES là hệ thống ĐMTMN công suất 51 kWp trên mái tòa nhà hành chính VSIP I (TP.Thuận An). Hệ thống sẽ cung cấp năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải carbon cho tòa nhà này.

Ông Toàn chia sẻ thêm, hầu hết các dự án do VSSES thi công đều hỗ trợ các DN tại các khu công nghiệp VSIP trên toàn quốc. Tuy nhiên, thời gian qua các đơn vị đầu tư thường xuyên nhận được các thông báo cắt giảm ngày phát lên lưới, điều này đồng nghĩa với ảnh hưởng đến nguồn thu để cân đối tài chính đã đầu tư. “Chúng tôi cũng kiến nghị ngành điện xem xét để có thể bù lại bằng hình thức thêm thời gian phát theo hợp đồng ký để DN có thể lấy lại vốn đầu tư, khấu trừ thêm vào thời gian sử dụng các tấm pin”, ông Toàn nói.

Cần tháo gỡ khó khăn

Ông Phan Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng tái tạo Bình Dương Xanh, chia sẻ theo tính toán giá trị đầu tư của hơn 4.000 dự án ĐMTMN trên toàn tỉnh là khoảng 11.632 tỷ đồng. Trong trường hợp vướng các quy định liên quan buộc dừng hoạt động là một sự lãng phí rất lớn đối với DN, người dân. Vì vậy, nhiều DN, nhà đầu tư các dự án ĐMTMN vẫn đang kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan. Có thể hướng dẫn, bổ sung về kết cấu nhà xưởng, cũng như quy định phòng cháy chữa cháy… để các dự án này có thể tiếp tục được vận hành, bán điện. Theo các DN, hiện 100% dự án ĐMTMN trên cả nước nói chung chưa thể thu hồi vốn.

Kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các cơ quan chức năng, nhiều DN tại các khu công nghiệp mong muốn tiếp tục được đầu tư ĐMTMN, bởi nhiều tiêu chí sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần trung hòa carbon đang là “chìa khóa” để sản phẩm của DN có thể cạnh tranh tại các thị trường khó tính. Nhiều DN cũng kiến nghị được đầu tư dự án để dùng nội bộ phục vụ sản xuất, không cần bán cho ngành điện. Tuy nhiên, các quy định liên quan là “nút thắt” lớn khiến nhiều DN không thể triển khai.

Theo giải thích của ngành điện, tại nhiều khu vực do hệ thống lưới điện đầu tư trước đây đã được tính toán công suất nên việc nhiều dự án ĐMTMN phát lên lưới đã gây tình trạng quá tải. Để nguồn điện ổn định, an toàn xuyên suốt, ngành điện phải điều độ, cắt giảm việc phát lên lưới nhiều dự án ĐMTMN. Hiện nay, đơn giá mua ĐMTMN cao hơn so với nguồn điện năng lượng truyền thống, chi phí bù giá năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện. Mặt khác, nguồn năng lượng tái tạo hiện nay chủ yếu nhận phát đồng thời vào thời điểm ban ngày, không có hệ thống trích trữ nên việc điều độ hệ thống điện quốc gia, điều tiết hạn chế công suất và sản lượng điện phát lên lưới sẽ làm lãng phí đầu tư, kéo dài thời gian hoàn vốn của các dự án.

 Sở Công thương kiến nghị Bộ Công thương sớm xem xét có hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất về trình tự, thủ tục pháp lý, kỹ thuật, quản lý vận hành đối với hệ thống ĐMTMN tự dùng (không bán điện cho EVN). Từ đó, ngành điện có đủ cơ sở pháp lý thỏa thuận đấu nối gián tiếp hệ thống ĐMTMN tự dùng vào lưới điện quốc gia. Rà soát, tham mưu ban hành chính sách phát triển điện mặt trời thay thế cho chính sách giá FIT đã hết hiệu lực từ ngày 1-1-2021 tại Quyết định số 13/2020/ QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

 MINH DUY