Hơn 23 người chết, mất tích do mưa lũ
Sáng 6-9, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cho biết do mưa lớn gây lũ quét kéo dai mấy ngày qua ở các tỉnh miền núi phía Bắc, làm 23 người chết mất tích.
Tan hoang Bản Khoang. Ảnh: Thanh Hội.
Trong dó, Lào Cai bị nặng nhất tới 11 người chết, mất tích (2 người mất tích); Lai Châu 3 người chết, Thái Nguyên 3 người, Điện Biên 2 người, Lạng Sơn 2 người, Hà Giang 1 người, Sơn La 1 người.
Mưa lũ cũng làm sập đổ, cuốn trôi, hư hỏng gần 70 ngôi nhà, trong đó nặng nhất là Điện Biên, Lào Cai, Sơn La.. Thống kê ban đầu cũng cho thấy, hơn 1.700 ha lúa, hoa màu bị hư hại, nhiều công trình đê, kè kênh mương nội đồng cũng bị phá hỏng.
Tuyến tỉnh lộ 155 qua xã Bản Khoang, huyện Sa Pa (Lào Cai) bị sạt lở nặng tơi 20.000 m3, đến chiều tối qua 5-9, mới thông xe tạm thời. Một số tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập nước, sạt lở gây ách tắc tạm thời ở các huyện Tuần Giáo (Điện Biên); Võ Nhai, Phú Lương (Thái Nguyên); Mường Tè, Nậm Nhùn (Lai Châu); Bắc Yên (Sơn La).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhanh, đến 7 giờ sáng mai (7-9) có khả năng xuống mức 29,1 m. Lũ trên sông Cầu tại Đáp Cầu có khả năng đạt đỉnh là 5,75m (trên báo động 2 là 0,45m) vào chiều tối nay (6/9), sau đó xuống chậm, đến 7 giờ sáng mai (7-9) có khả năng xuống mức 5,65 m (trên báo động 2 là 0,35m).
Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương, lũ có khả năng đạt đỉnh là 5,65m (trên báo động 2 là 0,35m) vào trưa nay (6/9) sau đó xuống, đến 7 giờ sáng mai (7-9) có khả năng xuống mức 5,4m (trên báo động 2 là 0,1m). Lũ trên sông Thái Bình tại Phả Lại tiếp tục lên, đến sáng mai (7-9) có khả năng đạt mức 4 m (ở mức báo động 1). Lũ hạ lưu hệ thống sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt mức 7,2 m vào tối nay (6-9) sau đó xuống nhanh.
Các tỉnh Bắc Cạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình… cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Theo Tiền Phong