Hơn 11.000 phụ nữ dân tộc thiểu số được hỗ trợ phát triển sinh kế nhờ dự án tiếp cận dịch vụ tài chính
(BDO) Với sự hỗ trợ của Công ty P&G Việt Nam, doanh nghiệp tiên phong về thúc đẩy đa dạng, bình đẳng, hòa nhập tại Việt Nam trong những năm qua, thông qua CARE quốc tế tại Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, qua 4 năm triển khai trên địa bàn 18 tỉnh tại Việt Nam, dự án “Bứt phá: Thúc đẩy tài chính toàn diện cho phụ nữ dân tộc thiểu số” đã hỗ trợ xây dựng và vận hành hơn 500 nhóm tiết kiệm tín dụng tự quản (TKTDTQ) với hơn 11.000 phụ nữ tham gia hoạt động huy động tiết kiệm và cho vay vốn quy mô nhỏ. Mô hình TKTDTQ hỗ trợ hiệu quả phụ nữ và gia đình trong các hoạt động phát triển sinh kế, góp phần đảm bảo an ninh tài chính của hộ gia đình.
P&G Việt Nam tổ chức gặp gỡ báo chí, trao đổi dự án “Bứt phá: Thúc đẩy tài chính toàn diện cho phụ nữ dân tộc thiểu số”
Từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2019, CARE đã hợp tác với Công ty P&G Việt Nam để triển khai dự án “Bứt phá: Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số” ở 4 tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn). Thông qua hợp tác với P&G, CARE đã thành lập được 260 Mô hình cổ phần tài chính tự quản, trực tiếp giúp 5.196 phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn vay và giúp họ độc lập hơn về kinh tế. Nhiều thành viên của nhóm Tiết kiệm tín dụng thôn bản (VSLA) cho biết, họ có thể tiết kiệm tiền nhiều hơn và đầu tư tốt hơn vào giáo dục cho con cái, sinh kế hộ gia đình và các hoạt động tạo ra thu nhập.
Trong giai đoạn thứ hai của dự án với tên gọi “Bứt phá: Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số”, từ tháng 12/2020 tới hết tháng 12/2021 đã thành lập được 287 nhóm VSLA với 4.185 thành viên phụ nữ tham gia; huy động 9,35 tỉ đồng tiết kiệm và cho 2.427 lượt thành viên được vay vốn để phát triển sinh kế. Trong nửa đầu năm 2022, có 269 nhóm với 4.058 thành viên phụ nữ tham gia hoạt động đã huy động được 5,62 tỉ đồng tiết kiệm và 1.416 lượt thành viên được vay vốn để phát triển sinh kế.
Bà Lê Thị Tuyết Mai, Giám đốc Truyền thông Công ty P&G Việt Nam chia sẻ: Dự án “Bứt phá” là một chương trình cộng đồng quan trọng trong kế hoạch phát triển lâu dài của công ty tại Việt Nam. Với cam kết luôn đồng hành cùng sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, trong nhiều năm qua, P&G không chỉ nỗ lực sáng tạo ra các sản phẩm tiêu dùng cao cấp và chất lượng nhằm cải thiện cuộc sống của người tiêu dùng tốt đẹp hơn mỗi ngày, mà còn bền bỉ thực hiện nhiều chương trình nhằm thúc đẩy tiến bộ của phụ nữ, xoá bỏ rào cản giới và thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2017 (Findex) cho thấy chỉ có 30% nam giới và 31% nữ giới trưởng thành ở Việt Nam được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức, đây một trong những tỷ lệ thấp ở Đông Á. Dựa trên các phân tích về giới do CARE thực hiện, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận tài chính và chịu tác động tiêu cực từ bất bình đẳng giới, các chuẩn mực văn hóa truyền thống.
Được CARE khởi xướng từ năm 1991 tại Nigeria và triển khai tại Việt Nam từ năm 2010, đến nay mô hình VSLA đã được áp dụng ở hơn 20 tỉnh, thành. Mô hình hoạt động dựa trên nguyên tắc “ba tự”: Tự nguyện tham gia, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm, thúc đẩy nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng đối với tất cả các thành viên.
Tường Vy