Hơn 100 người chết do nhiễm MERS, Trung Đông báo động
Ngày 27-4, tổng số ca tử vong do virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) ở Saudi Arabia đã lên tới 102 người, sau khi giới chức y tế nước này xác nhận thêm 10 trường hợp tử vong mới.
Người dân đeo khẩu trang phòng chống MERS tại bệnh viện ở thành phố Jeddah, Saudi Arabia ngày 22-4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông dẫn một tuyên bố của Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết số ca nhiễm virus MERS cũng tăng thêm 26 người, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm tại quốc gia vùng Vịnh này lên 339 người.
Chỉ tính từ đầu tháng Tư tới nay, đã có 143 ca nhiễm mới tại Saudi Arabia. Số người tử vong cũng tăng mạnh với tổng cộng 39 trường hợp.
Trong số 10 ca tử vong được xác nhận hôm 27-4, có 7 nạn nhân tại Jeddah - địa điểm bùng phát dịch mạnh nhất trong thời gian gần đây, 2 nạn nhân tại thủ đô Riyadh và 1 nạn nhân tại thánh địa Mecca.
Trong khi đó, 26 ca nhiễm mới cũng được phân bố tại Jeddah (8 ca), thành phố Tabuk ở phía Tây Bắc (6 ca) và Riyadh (2 ca).
Tốc độ lây lan nhanh của Virus MERS đã gây hoang mang trong dân chúng, đặc biệt là trong đội ngũ các y bác sỹ.
Cho tới nay, đã có tới 4 nhân viên y tế tại một bệnh viện của tỉnh Tabuk bị nhiễm bệnh. Bệnh viện King Fahd tại thành phố Jeddah đã buộc phải đóng cửa phòng cấp cứu chính, trong khi ít nhất 4 bác sỹ tại cơ sở y tế này đã từ chối chữa trị cho các bệnh nhân MERS do sợ bị lây nhiễm.
Ngày 21-4 vừa qua, Chính phủ Hoàng gia Saudi Arabia đã cách chức Bộ trưởng Y tế Abdullah al-Rabiah và bổ nhiệm Bộ trưởng Lao động Adel Fakieh lên thay thế.
Trong khi đó, đích thân Quốc vương Abdullah đã tới Jeddah ngày 24-4 vừa qua để trấn an dư luận và xua tan các tin đồn về virus MERS.
Ngày 26-4, Saudi Arabia đã thiết lập 3 trung tâm đặc biệt được đặt tại Jeddah, thủ đô Riyadh và khu vực miền Đông, bao gồm tổng cộng 146 giường chăm sóc đặc biệt, các phòng cách ly với các trang thiết bị y tế mới nhất và các phòng thí nghiệm.
Dự kiến, các trung tâm tương tự sẽ được thiết lập tại các khu vực khác. Số trường hợp nhiễm virus MERS tăng mạnh đang khiến chính quyền Saudi Arabia hết sức lo ngại trong bối cảnh quốc gia này chuẩn bị đón hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới trong tháng lễ Ramadan vào tháng Bảy tới, cũng như lễ hành hương hàng năm Haj tại thánh địa Mecca và Medina vào đầu tháng 10 tới.
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Adel al-Adawy đã triệu tập phiên họp khẩn cấp nhằm thảo luận các biện pháp đối phó với virus MERS sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại nước này ngày 26-4.
Bệnh nhân là một kỹ sư Ai Cập 27 tuổi sinh sống tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia và được cách ly tại Bệnh viện sân bay quốc tế Cairo hôm 25-4.
Giới chức y tế Ai Cập yêu cầu kiểm tra chặt các hành khách đến từ các quốc gia có dịch, đặc biệt là từ quốc gia láng giềng Saudi Arabia; thực hiện các biện pháp kiểm dịch tại tất cả các cửa khẩu đường không, đường bộ và đường thủy; tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm ngay lập tức đối với các trường hợp nghi nhiễm; đồng thời khuyến cáo các công dân tiêm phòng vắcxin trước khi đi hành hương tới Saudi Arabia và đeo khẩu trang ở những nơi công cộng.
MERS được coi là ''họ hàng'' của virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) từng ám ảnh châu Á năm 2003.
Virus này cũng gây các triệu chứng như ho, sốt và dẫn tới viêm phổi. Mặc dù số trường hợp nhiễm chủng virus này trên thế giới tương đối thấp, song tỷ lệ tử vong lên tới 40% tại Trung Đông vẫn khiến giới khoa học và nhà chức trách thận trọng.
Saudi Arabia cho biết đã mời 5 nhà sản xuất vắcxin hàng đầu thế giới hợp tác với nước này nhằm phát triển vắcxin phòng virus MERS.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 25-4 cũng đã bày tỏ lo ngại trước số trường hợp nhiễm MERS ngày càng tăng tại Saudi Arabia, cho rằng cần tăng cường tìm hiểu tính chất cũng như con đường lây nhiễm của chủng virus này.
Theo TTXVN