Hỏi: Việc bảo lưu chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được quy định như thế nào?
(BDO) Trả lời: Theo Khoản 4 Điều 53 Luật Việc làm năm 2013 quy định: “Người lao động (NLĐ) bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp tại Khoản 3 Điều 53 như: Tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật BHTN; bị tòa án tuyên bố mất tích; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù thì được bảo lưu thời gian đóng BHTN làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo khi đủ điều kiện quy định.
Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng BHTN trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng BHTN.
Hỏi: Trường hợp NLĐ bị tai nạn lao động, kết quả giám định 6% đến thời hạn tái tục hợp đồng mới nhưng công ty không muốn tiếp tục. Vậy cho hỏi trình tự thủ tục giải quyết chế độ đúng luật?
Trả lời: Trường hợp NLĐ sau khi bị tai nạn lao động và được điều trị ổn định nếu hợp đồng lao động còn thời hạn thì được người sử dụng lao động sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao động. Trường hợp NLĐ bị tai nạn lao động nhưng hợp đồng lao động đã hết hạn thì hợp đồng lao động được chấm dứt theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động. Bộ luật Lao động không quy định người sử dụng lao động phải tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với NLĐ bị tai nạn lao động.
Hỏi: Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, thì từ 1-1-2016 đến hết năm 2017, sẽ tăng các khoản thu nhập để tính đóng BHXH. Vậy các khoản thu nhập bắt buộc phải tính để đóng BHXH gồm những khoản nào?
Trả lời: Theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH theo Luật BHXH 2014, từ 1-1-2016 đến hết năm 2017, các khoản thu nhập bắt buộc phải tính để đóng BHXH bao gồm: Tiền lương, phụ cấp lương (là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ). Phụ cấp chức vụ, chức danh, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thâm niên, phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động, phụ cấp thu hút, các phụ cấp có tính chất tương tự.
Các khoản không tính đóng BHXH bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến. Theo đó, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
Ngoài ra, các khoản tiền sau cũng không tính đóng BHXH như: Tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.
P.V