Hội thi giáo viên giỏi “Giải thưởng Võ Minh Đức”: Những gương mặt sáng giá
Hội thi giáo viên (GV) dạy giỏi “Giải thưởng Võ Minh Đức” được Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức hàng năm, nhằm phát hiện, biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt ở các cấp học. Cuộc thi năm nay đã chọn ra 52 GV xuất sắc. Chúng tôi xin giới thiệu dưới đây 5 GV đoạt giải nhất ở các cấp học.
Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Thế Phương (bìa phải) trao giấy khen cho các giáo viên đoạt giải. Từ trái qua: Như Mai, Cẩm Nhung, Ánh Sương, Đức Chính và Hải Yến.
Cô NGUYỄN THỊ NHƯ MAI: Cần có tấm lòng yêu trẻ
Cuộc thi GV dạy giỏi “Giải thưởng Võ Minh Đức” ở bậc mầm non năm nay, cô Nguyễn Thị Như Mai, GV trường mẫu giáo Tuổi Thơ (TP.TDM) đã chinh phục được Ban giám khảo bởi đề tài dự thi của cô mới lạ. Lạ vì từ trước đến nay GV hay giới thiệu cho học sinh (HS) những con vật quen thuộc như: gà, chim, chó, mèo… còn cô Mai chọn đề tài “quan sát con dế” để giới thiệu cho các bé mẫu giáo. Sự thành công của tiết dạy khi các bé vô cùng thích thú, biết thêm một con vật, một trò chơi đã dần đi vào quên lãng. Cô nói, ngày trước tuổi thơ của lứa tuổi như cô gắn với những trò chơi dân gian, trong đó có đá dế. Còn bây giờ những trò chơi game đã làm các em quên đi trò chơi lành mạnh, gần gũi với thiên nhiên. Đó là lý do cô chọn đề tài này. Sáng tạo trong cách dạy, cô Mai còn tham gia làm và sử dụng nhiều đồ dùng dạy học. Từ những vật dụng bỏ đi, cô đã sáng tạo ra nhiều đồ dùng giúp các bé khám phá thế giới xung quanh, giúp bé lớp lá làm quen với chữ cái, chữ số. Cô cũng áp dụng phương pháp giảng dạy mới, như phương pháp tạo nhóm để các em làm quen với cách làm việc theo nhóm, cũng như chia sẻ kiến thức cho nhau.
Trường mẫu giáo Tuổi Thơ nằm trên xã Tân An, là địa bàn vùng ven của TP.TDM. Phụ huynh đa số làm nghề nông hoặc công nhân, ít có thời gian quan tâm chăm sóc con cái. Như người mẹ hiền thứ hai của bé, các cô dạy dỗ, chăm sóc bé từ miếng ăn, giấc ngủ, dạy bé từng lời ăn tiếng nói. Có những hôm mẹ các bé đi làm về trễ, cô phải đưa bé về tắm rửa, cho ăn. Cô tâm sự, các cháu ở đây còn thiếu thốn tình cảm, ít được sự quan tâm của cha mẹ, nếu GV không có tấm lòng yêu trẻ thì không thể gắn bó với nghề lâu dài.
Cô LƯU HẢI YẾN: Dạy học là nghề sáng tạo
Ra trường 5 năm, 3 năm tham gia cuộc thi GV dạy giỏi “Giải thưởng Võ Minh Đức” cấp TX.Dĩ An, cô Lưu Hải Yến, GV trường tiểu học Đông Hòa đều đoạt giải nhất. Lần đầu tiên đi thi cấp tỉnh cô cũng giành được giải nhất. Cô tâm sự, ý thức được trách nhiệm của người thầy, tôi cố gắng trau dồi nghiệp vụ, kinh nghiệm, cập nhật thông tin để truyền thụ kiến thức cho HS chính xác nhất, phong phú nhất, trong quá trình giảng dạy phải có sự sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo của HS.
Hiện tại cô Yến đang dạy lớp 5, đây là năm học quan trọng, nội dung bao trùm tất cả kiến thức đã học, GV phải nỗ lực hết mình, phát huy mọi khả năng của HS, giúp các em có nền tảng vững chắc để bước vào cấp II. Cô nói, ngoài sự sáng tạo, người thầy cần phải có tâm, có đức. Bản thân cô đã ý thức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cô đã học ở Bác sự giản dị, tinh thần trách nhiệm, yêu thương HS hết mình…
Cô LÊ THỊ CẨM NHUNG: Giáo viên như người diễn viên
Chọn nghề giáo làm cái nghiệp, cô Lê Thị Cẩm Nhung, GV dạy môn địa lý trường THCS Tân Phước Khánh (Tân Uyên) ví GV như một người diễn viên, khi đứng trên bục giảng phải làm hết vai diễn của mình. Phương châm của cô là lên lớp vui vẻ, cởi mở, tạo sự vui tươi sẽ lôi cuốn HS yêu thích môn học.
Cô quan niệm, nghiệp làm thầy đứng trên bục giảng đồng hành với trang giáo án, phấn trắng, cô luôn suy nghĩ làm thế nào để tìm ra phương pháp giảng dạy mới, hay, phù hợp với từng nội dung bài giảng. Khi tham dự cuộc thi GV dạy giỏi “Giải thưởng Võ Minh Đức” cũng vậy, cô tìm tòi học hỏi để có vốn kiến thức vững chắc, đúc kết kinh nghiệm từ bản thân, từ đồng nghiệp để có những sáng kiến hay đầu tư cho bài giảng thêm phong phú. Trong mỗi chặng đường thi, cô luôn học hỏi đồng nghiệp để tìm tòi những phương pháp hay nhằm cuốn hút HS vào bài giảng. Cô luôn trăn trở làm thế nào có những sáng kiến hay để đầu tư cho bài giảng được hoàn thiện. Bởi trong quá trình giảng dạy, ngoài việc cung cấp đầy đủ nội dung bài giảng cần phải có nét nổi trội đó là cái hay, cái mới.
Thầy NGUYỄN ĐỨC CHÍNH: GV phải thắp lên ngọn lửa tri thức trong HS
Thầy Nguyễn Đức Chính dạy môn ngữ văn trường THPT chuyên Hùng Vương là GV nam duy nhất đoạt giải cao trong cuộc thi năm nay. Thầy cho rằng, cuộc thi là cơ hội để GV thể hiện sự năng động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy. Việc thay đổi quan điểm, cách thức tổ chức giảng dạy thì GV vẫn là người chủ đạo. Với thầy, tiết dạy cần bảo đảm 4 tiêu chí: sáng tạo, tích cực, hợp tác, hiệu quả. Sự sáng tạo của người thầy thể hiện qua những phương pháp giảng dạy khác nhau và sự sáng tạo của thầy kích thích HS sáng tạo. Trong tiết học, thầy trò cùng tích cực làm việc và có sự hợp tác tốt thì hiệu quả đem lại sẽ cao hơn. Trong tình hình hiện nay, GV là người tiên phong trong việc đổi mới phương pháp dạy học. GV phải thắp lên ngọn lửa tri thức, truyền lửa đam mê học tập cho HS. Khi đã yêu thích, đam mê, HS sẽ tìm tòi, khám phá tri thức.
Cô LƯƠNG THỊ ÁNH SƯƠNG: Tiếp tục tự học, tự rèn
Tham gia cuộc thi năm nay, Cô Lương Thị Ánh Sương, GV môn kế toán trường Trung cấp Kinh tế Bình Dương không ngờ rằng mình đoạt được giải cao, bởi còn có nhiều đối thủ nặng ký. Vậy mà cô đã vượt qua 25 đồng nghiệp để xuất sắc đoạt giải nhất khối giáo dục chuyên nghiệp. Cô tỏ ra khiêm tốn: “Kết quả ngày hôm nay chưa phải là tất cả, nó chỉ là bước khởi đầu làm nền tảng để chúng tôi phấn đấu vươn lên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy. Chúng tôi sẽ tiếp tục tự học, tự rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với sự phát triển của thời đại, xứng đáng là người thầy giáo, cô giáo của thời kỳ đổi mới, của một đất nước có lịch sử 4.000 năm văn hiến”.
Hưởng ứng cuộc vận động của ngành giáo dục “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”, nhiều năm qua cô Sương tự học bằng nhiều hình thức, qua internet, đăng ký học những lớp chứng chỉ, tìm hiểu thực tế bên ngoài để nâng cao tay nghề. Nhờ thường xuyên trau dồi chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy, những tiết dạy của cô Sương luôn sinh động, tạo sự hứng thú học tập cho HS.
H.THÁI