Hội thảo tăng cường dạy nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề
Lễ ký kết tăng cường đào tạo nghề cung ứng lao động cho các DN giữa trường nghề và DN
Nhằm nâng cao tỷ lệ lao động (LĐ) qua đào tạo nghề (ĐTN), tạo cơ hội cho người lao động (NLĐ) có việc làm hoặc tạo việc làm, đồng thời định hướng các trường nghề đào tạo các ngành nghề sát với thực tiễn của DN; đó là mục đích về hội thảo “Tăng cường dạy nghề đáp ứng nhu cầu của DN, thị trường LĐ” do Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa tổ chức.Đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng
Bình Dương đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi sự đáp ứng nguồn nhân lực về công nhân kỹ thuật rất lớn. Trong thời gian qua, Bình Dương đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên dạy nghề thể hiện qua quy mô phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Tuy nhiên, ĐTN ở Bình Dương vẫn còn gặp không ít khó khăn. Mở đầu hội thảo, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nêu lên những thuận lợi và khó khăn về công tác ĐTN và tình hình tuyển dụng LĐ tại các DN. Những khó khăn trong công tác ĐTN như chưa gắn kết, đáp ứng được nhu cầu của DN cả về chất lẫn về lượng. Các cơ sở dạy nghề chưa chuyển được từ hướng “cung” sang hướng “cầu” của DN. Việc liên hệ cho học sinh thực tập trước khi tốt nghiệp tại DN còn gặp nhiều khó khăn. Công tác đào tạo “đi trước đón đầu” để phục vụ cho yêu cầu của DN còn chậm và yếu. Về những khó khăn trong công tác tuyển dụng LĐ, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng số 45 Kim Xuân Bộ nói: “Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 250 LĐ kỹ thuật, để tìm được nguồn LĐ thì công ty có hỗ trợ thêm kinh phí để phục vụ cho công tác đào tạo nếu các trường nghề hợp tác.
Đào tạo nghề tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore
Tuy có chính sách như vậy nhưng hiện nay DN vẫn “bế tắc” trong khâu tuyển dụng”. Ông Song Peng, Phó phòng Nhân sự Công ty Cổ phần Công nghệ gỗ Kaiser (Việt Nam) bức xúc: “Công ty đang cần tuyển LĐ có trình độ kỹ thuật nhưng các trường chỉ cung ứng LĐ còn quá khiêm tốn. Rất ít trường đào tạo ngành gỗ nên công ty tự nhận LĐ vào để đào tạo”. Ông Peng mong muốn, các trường nghề cần mở thêm những ngành nghề mà DN đang cần để cung ứng LĐ cho DN. Nhiều đại biểu cũng đã nêu bật được những khó khăn trong công tác tuyển dụng LĐ trong thời gian qua, cụ thể: Thực tế hiện nay LĐ đang làm việc ở các DN chủ yếu là LĐ ngoài tỉnh, nhưng do hiện nay một số tỉnh đang đầu tư nhiều KCN nên đã rút một lượng LĐ không nhỏ về làm việc dẫn đến tình trạng DN thiếu hụt LĐ. Chất lượng ĐTN của các cơ sở dạy nghề vẫn chưa phù hợp với các yêu cầu công việc của DN nên các DN khi tiếp nhận LĐ thường phải đào tạo lại. Các cơ sở ĐTN phần lớn đào tạo theo năng lực của nhà trường và nhu cầu của người học, do đó dẫn đến tình trạng học sinh sau tốt nghiệp có nghề không đủ để cung ứng cho các DN.Các “nhà” chưa gặp nhau
Bình Dương hiện có 654.589 LĐ đang làm việc tại các DN, trong đó 549.855 là LĐ ngoài tỉnh. Trong năm 2009, nhu cầu tuyển dụng của các DN là rất lớn do sự hồi phục của nền kinh tế (ước khoảng 70.000 người). Đây là thử thách lớn cho việc tìm LĐ của các DN và việc tạo ra nguồn LĐ có tay nghề của các cơ sở dạy nghề trong tỉnh. Từ việc thiếu hụt LĐ nên trong thời gian qua đã xuất hiện tình trạng tranh giành LĐ giữa các DN. Trong khi đó một số cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh chưa tận dụng hết khả năng để thu hút học sinh học nghề; đào tạo không đáp ứng nhu cầu của DN. Th.s Trần Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đào tạo theo nhu cầu DN nên từ năm 2007, trường đã chủ động liên kết và hợp tác với nhiều DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Hiện tại, trường đã ký hợp đồng chính thức về đào tạo và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu DN với 4 DN như: Hoa Sen Group, Công ty Cổ phần Đại Nam, Trung tâm Dịch vụ khách hàng Khu công nghiệp Mỹ Phước - Becamex, Công ty Cổ phần SV sprove và thành lập “Trung tâm hỗ trợ HSSV và quan hệ với DN” bước đầu đã tạo thông tin và là cầu nối quan trọng giữa nhà trường, HSSV và DN. Xuất phát từ chủ đề năm học 2009-2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là: “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội” và thông qua hội thảo chuyên đề “Tăng cường dạy nghề đáp ứng nhu cầu DN, thị trường LĐ năm 2009”.
Để thực hiện được chủ trương “đào tạo theo nhu cầu DN”, hàng năm, trường tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo có sự tham gia ý kiến của lãnh đạo các DN để bổ sung các môn học cần thiết trong chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng LĐ của DN mà không cần tốn nhiều thời gian và chi phí để đào tạo lại tại DN. Vì khi các trường xây dựng chương trình đào tạo phải căn cứ vào chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (quy định bắt buộc các môn học phải học) và có khoảng 20 - 30% số môn học do trường chủ động xây dựng. Do đó khi có sự tham gia ý kiến của các DN trong việc xây dựng chương trình đào tạo thì chương trình đào tạo một phần cũng đã đáp ứng được nhu cầu của DN. Trường phải thường xuyên và có mối quan hệ chặt chẽ với các DN về tình hình sử dụng LĐ nói chung và đặc biệt là lượng HSSV của trường để chủ động bổ sung những chuyên đề về kỹ năng mềm cho HSSV. Làm tốt công tác điều tra thống kê hàng năm về việc làm của HSSV ra trường trên các tiêu thức: việc làm đúng chuyên ngành đào tạo, nhu cầu được đào tạo thêm, mức lương...
Nguyên nhân từ đâu mà tình trạng thiếu hụt nguồn LĐ kỹ thuật ngày càng gia tăng? Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã phân tích và làm rõ do trong thời gian qua, một số trường nghề chưa gắn kết với các DN và ngược lại nên khả năng ĐTN và ngành nghề đào tạo của các cơ sở ĐTN DN chưa nắm bắt được. Chưa gắn kết được nhiệm vụ giữa các trường và DN để có định hướng đào tạo ngành nghề, số lượng lao động cung ứng kịp thời cho DN. Th.s Trần Thanh Vũ kiến nghị, các cơ quan chức năng hữu quan đặc biệt là Sở LĐ-TB&XH có công văn gửi các DN trên địa bàn tỉnh về thực hiện chủ trương “đào tạo theo nhu cầu DN” để các trường chủ động liên hệ và phối hợp với DN xây dựng chương trình đào tạo hiệu quả đáp ứng nhu cầu sử dụng LĐ của xã hội.
VĂN SƠN