Hội thảo kiểm soát sự cố an toàn thực phẩm: Cần nâng cao năng lực kiểm soát và ứng phó khi xảy ra sự cố
Mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức hội thảo kiểm soát sự cố an toàn thực phẩm và triển khai Quyết định số 1246/QĐ- BYT ngày 31-3-2017 về việc ban hành “Hướng dẫn thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”. Hội thảo nhằm giúp các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp (CCSACN) nắm được một số quy định pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) và kỹ năng ứng phó các tình huống xảy ra ngộ độc thực phẩm.
(BDO) Báo cáo tại hội thảo, thạc sĩ Trần Minh Hoàng, phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh có 203 cơ sở CCSACN. Nhìn chung các cơ sở trên chấp hành tương đối tốt các quy định pháp luật về ATTP. Một số đơn vị qua kiểm tra hàng năm đạt kết quả tốt. Tuy vậy, một số doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an toàn cho bữa ăn của người lao động mà thường giao hết trách nhiệm cho nhà cung cấp. Hoạt động giám sát của tổ tự quản ATTP trong doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận nên lựa chọn nguyên liệu không bảo đảm chất lượng. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự cố ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra.
Thạc sĩ Trần Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Vệ sinh ATTP phổ biến một số kỹ năng giúp doanh nghiệp ứng phó với sự cố ngộ độc thực phẩm. Ảnh: N.HẬU
Tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ ngộ thực phẩm với 622 ca ngộ độc, 2 trường hợp tử vong, trung bình mỗi năm có 2,1 vụ. Qua điều tra các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra chủ yếu tại các bếp ăn tập thể, nhà ăn chưa được kiểm tra, hướng dẫn về ATTP; chưa thực hiện ký cam kết không để xảy ra ngộ độc thực phẩm; chưa được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và người nấu ăn chưa có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các cơ sở này sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Theo ông Hoàng, để giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý ATTP, các doanh nghiệp ngoài việc chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung cấp suất ăn. Các yêu cầu về bảo đảm ATTP phải được thể hiện cụ thể trong hợp đồng cung cấp suất ăn. Các cơ sở CCSACN phải có trách nhiệm phối hợp tốt với cơ quan quản lý nhà nước để có biện pháp quản lý, tư vấn hỗ trợ và cung cấp các thông tin cảnh báo về ATTP.
Trong năm 2016, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các cơ quan chức năng khác đã kiểm tra chuyên ngành về ATTP tại 114 bếp ăn tập thể, cơ sở CCSACN. Qua kiểm tra, có 103 cơ sở chấp hành tốt các quy định pháp luật về vệ sinh ATTP. Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính 11 cơ sở với số tiền 78,8 triệu đồng. Các cơ sở này chủ yếu vi phạm các quy định như không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không có biện pháp ngăn ngừa côn trùng, động vật nguy hại; bảo quản sau khi phân chia thức ăn không đúng quy định… |
Trong công tác quản lý chất lượng thực phẩm, các doanh nghiệp cần áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISO, HACCP,…) vào quá trình tổ chức bếp ăn tập thể và cơ sở CCSACN. Đồng thời, để giám sát hoạt động của cơ sở CCSACN, doanh nghiệp cần phải thành lập tổ tự quản để giám sát các hoạt động ATTP. Đối với các cơ sở CCSACN, việc thành lập các tổ tự quản trên là rất cần thiết để nâng cao chất lượng giám sát nội bộ về ATTP. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các thông tin cảnh báo về ATTP từ cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra, để xử lý ổn thỏa các sự cố ngộ độc thực phẩm, các doanh nghiệp cần phải thành lập các tổ ứng phó ngộ độc thực phẩm để xử lý các sự cố về ATTP. Theo đó, tổ 1 có nhiệm vụ ổn định tâm lý, phân loại và sơ cứu các ca bệnh. Tổ 2 có trách nhiệm giữ hiện trường và thu thập mẫu vật. Còn tổ 3 sẽ điều tra sơ bộ, chuẩn bị tài liệu phục vụ công tác điều tra nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Các tổ trên cần diễn tập thường xuyên để nâng cao năng lực ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, ông Trần Minh Hoàng khuyến cáo các doanh nhiệp và cơ sở CCSACN: “Đối với cơ sở CCSACN, không nên ký kết hợp đồng nấu ăn tại chỗ nếu bếp ăn tại doanh nghiệp không có đủ tiện ích, điều kiện môi trường, cơ sở vật chất bảo đảm ATTP hoặc không đủ khả năng nâng cấp các yêu cầu trên. Cơ sở CCSACN không nên chọn mua thực phẩm tại các chợ tự phát, không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, trong công tác xây dựng khẩu phần ăn cho người lao động, cơ sở CCSACN nên hạn chế sử dụng khẩu phần ăn hải sản vào thời điểm có mưa bão kéo dài hoặc cơ sở không đủ điều kiện bảo quản và vận chuyển hải sản phù hợp
Doanh nghiệp không nên hợp đồng với những cơ sở CCSACN mà có thời gian vận chuyển suất ăn quá thời gian 30 phút. Đồng thời, doanh nghiệp không hợp đồng giá suất ăn thấp mà phải chọn giá thành hợp lý cho cơ sở CCSACN xây dựng khẩu phần ăn bảo đảm chất dinh dưỡng cho người lao động. Mỗi khẩu phần ăn có giá thấp nhất là 15.000 đồng.
NGUYỄN HẬU