Hội thảo khoa học về cơ chế và chính sách tạo lập nguồn vốn phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Thứ sáu, ngày 28/09/2018

(BDO)
Toàn cảnh hội thảo

Sáng 28-9, tại Trưng tâm Hội nghị triển lãm tỉnh, Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh, Cơ quan thường trực miền Nam - Tạp chí Cộng sản, Viện Nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Cơ chế và chính sách tạo lập nguồn vốn phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Chủ tọa buổi hội thảo gồm ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM.

Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận có chất lượng, 55 tham luận đã được chọn in vào kỷ yếu hội thảo. Các tham luận đã đi vào phân tích sâu, làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn về vấn đề cơ chế, chính sách, nguồn lực tạo lập nguồn vốn phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) và liên vùng; thực trạng và giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tỉnh, thành phố trong vùng. Hội thảo cũng đã nghe các báo cáo tham luận và ý kiến chia sẻ trực tiếp đến từ các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp… liên quan đến các chủ đề: Phương thức thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế vùng; Kiến nghị về cơ chế, chính sách tạo nguồn lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Chiến lược thành phố thông minh : Bình Dương đột phá thu hút đầu tư, kết nối liên vùng, tăng tốc kinh tế, nâng tầm xã hội; Nguồn lực tài chính từ đất đai TP.HCM: Nguồn vốn quan trọng phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam; Nâng cao hiệu quả cung ứng và sử dụng vốn đầu tư trong nông nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Các hình thức huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế tại Việt Nam;…

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu cách thức tổ chức, cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn vốn cho phát triển kinh tế vùng là việc làm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết. Thông qua hội thảo tiếp tục tìm tòi, khảo nghiệm đề xuất những luận điểm khoa học, những kinh nghiệm từ thực tiễn để phân tích, đánh giá thực trạng kinh tế và các cơ chế liên kết, điều phối nguồn vốn giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, cũng như các giải pháp tạo lập và thu hút nguồn vốn phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

PHƯƠNG LÊ