Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”: Sự kiện có ý nghĩa chính trị - khoa học đặc biệt quan trọng
(BDO) Tinh thần đột phá, đổi mới sáng tạo
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, 25 năm qua, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, nhưng đến nay Bình Dương đã 4 lần lọt vào “Top Smart 21” của ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới). Đây là một kỳ tích, một hình mẫu phát triển của Việt Nam.
Bình Dương ghi nhận những ý kiến tâm huyết với những góc nhìn đa chiều, những đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả… để tỉnh hoạch định chiến lược phát triển nhanh, bền vững hơn. Ảnh: NGỌC THANH
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, mấy năm gần đây, Bình Dương ráo riết chuyển sang đột phá lần 3 với hai nội dung mới và khác. Một là xây dựng đô thị thông minh. Hai là triển khai VSIP III với định hướng tạo lập hệ sinh thái công nghiệp - công nghệ cao. Bình Dương là một trong số ít địa phương đã “vượt trước” trong sự lựa chọn thay đổi này. Việc nỗ lực phát triển đô thị thông minh sớm sẽ giúp Bình Dương giải quyết hiệu quả hàng loạt vấn đề mang tính thời đại có độ thách thức rất cao: Giao thông, y tế, giáo dục, logistics … tất cả đều phải là “thông minh”, tức là trên nền tảng công nghệ cao, môi trường sinh thái tốt và kết nối toàn cầu. Thật may là chính Bình Dương, bằng lịch sử phát triển hiện đại của mình, đã thuyết phục tính đúng đắn của định hướng phát triển theo tinh thần chủ động đột phá, đổi mới sáng tạo và tiến vượt.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Hứa Huy Hoàng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực II, cũng cho rằng sau 25 năm, tỉnh Bình Dương đãđạt nhiều thành tựu quan trọng, trở thành điểm sáng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trước xu hướng toàn cầu hóa và những thách thức từ lĩnh vực kinh tế đặt ra, Bình Dương xác định cần đi trước một bước và chuẩn bị tốt về mặt công nghệ, hạ tầng để duy trì lợi thế cạnh tranh nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế và đời sống. Nhằm phù hợp hơn với quá trình phát triển bền vững và bắt kịp xu thế toàn cầu, Bình Dương hướng đến xây dựng mô hình thành phố thông minh. Đề án Thành phố thông minh cũng là động lực quan trọng để Bình Dương phục hồi sau “làn sóng” Covid-19, đột phá đón kỷ nguyên 4.0.
Kết hợp nhịp nhàng giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa
Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” là sự kiện có ý nghĩa chính trị - khoa học đặc biệt quan trọng của tỉnh Bình Dương năm 2022. Với sự chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc và bài bản, đặc biệt là đã có rất nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân quan tâm, dành những tình cảm và trí tuệ đóng góp cho hội thảo. Bình Dương trân trọng tiếp thu các ý kiến đánh giá một cách khách quan, toàn diện, khoa học về những thành tựu, cũng như những vấn đề tồn tại, hạn chế và những bài học kinh nghiệm, cùng những đề xuất định hướng cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong thời kỳ mới. (Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy) |
Hầu hết các nhà khoa học đều khẳng định Bình Dương đi đầu trong đổi mới tư duy của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những chính sách nổi bật như “trải chiếu hoa” mời gọi đầu tư, kết hợp công nghiệp hóa và đô thị hóa, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội, thực hiện tốt công tác quản lý điều hành… Công nghiệp hóa tạo nguồn lực cho đô thị hóa và ngược lại, đô thị hóa tạo cơ sở cho công nghiệp phát triển. Tỉnh luôn đặt trọng tâm vào phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, kiên trì theo quy hoạch khung của tỉnh, quy hoạch vùng, thực hiện đồng bộ phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; chú trọng phát trển công nghiệp và bảo vệ môi trường, chú trọng và tranh thủ toàn diện việc hội nhập quốc tế, phát huy vai trò đòn bẩy của doanh nghiệp Nhà nước, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao…
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một, trong 25 thành lập, Bình Dương đã có nhiều chính sách và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vượt trội, từ kích hoạt đầu tư đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tìm và góp phần xây dựng quy chế cho khu công nghiệp, đột phá xây dựng cơ sở hạ tầng, khơi thông nguồn lực trong nước và quốc tế, phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, sáng tạo giải quyết các vấn đề xã hội. Những chính sách này đã giúp Bình Dương khai mở lộ trình công nghiệp hóa và làm nên dấu ấn của một thời kỳ phát triển sôi động nhất trong lịch sử địa phương, cũng như trong công cuộc đổi mới của đất nước. Nhìn từ những chính sách và giải pháp vượt trội này cũng cho thấy Bình Dương đã tới ngưỡng một chu kỳ phát triển và cần có nhận thức mới trong giai đoạn tiếp theo.
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, để tạo nên động lực mới và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần chuyển sang tư duy phát triển kinh tế vùng, thông qua 4 mối liên kết: (1) bố trí lực lượng sản xuất thông qua quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh (2) phối hợp xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng; (3) đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động chung của vùng và (4) bảo vệ môi trường chung trên phạm vi toàn vùng. “Hội thảo đã rất thành công khi vừa làm rõ được 25 năm qua Bình Dương đạt được những thành tựu gì; đang phải đối diện với vấn đề gì; những giải pháp, ngoài công nghệ số thì cần những thể chế gì? Tất cả điều này không chỉ giúp cho Bình Dương phát triển mạnh mẽ hơn, mà còn giúp cho Việt Nam xây dựng những chính sách mới trong giai đoạn tiếp theo”, TS Trần Du Lịch nói.
NGỌC THANH - TIỂU MY