Hội thảo khoa học “Tăng cường sự tham gia cấp ủy các cấp của cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh Bình Dương...”
(BDO) Sáng 7-6, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Tăng cường sự tham gia cấp ủy các cấp của cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh Bình Dương hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng”.
Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương chủ trì hội thảo.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia tham dự
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, tọa đàm xung quanh 2 nội dung: "Giải pháp tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp ở tỉnh Bình Dương hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng" và "Nâng cao sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy các cấp: Thực trạng và những bài học kinh nghiệm".
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Lợi nhấn mạnh, Bình Dương là tỉnh có nhiều điểm sáng trong công tác cán bộ nữ khu vực Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Lợi phát biểu tại hội thảo
Trong những năm qua, thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác cán bộ nữ, tỉnh Bình Dương đã triển khai có hiệu quả công tác cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" (gọi tắt là Nghị quyết số 11-NQ/TW) và Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị số 21-CT/TW). Phụ nữ không chỉ tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, phát triển kinh tế mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thao phát biểu tại hội thảo
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Lợi, hiện tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy và HĐND các cấp còn thấp so với yêu cầu của Nghị quyết số 11-NQ/TW. Bên cạnh đó, việc triển khai Chỉ thị số 21-CT/TW ở một số nơi còn hình thức, chưa đi vào chiều sâu.
Cùng với đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế; ở một số nơi, việc bố trí, sắp xếp công tác cho cán bộ nữ đôi khi chưa hợp lý nên chưa phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ nữ, chưa tạo điều kiện để cán bộ nữ vươn lên... Những hạn chế đó đã ảnh hưởng đến sự đóng góp của cán bộ nữ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng.
Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi những vấn đề về thực tiễn ở Bình Dương cùng những kinh nghiệm quốc tế và trong nước do các chuyên gia Hội Xã hội học Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Việc đánh giá khách quan những kết quả công tác cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp ở tỉnh Bình Dương đã đạt được, cũng như những hạn chế, khó khăn đặt ra, từ đó xác định giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ là rất quan trọng và cần thiết đối với tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Trí Dũng - Quốc Chiến