Hội thảo góp phần làm sáng tỏ, khẳng định những giá trị, bài học kinh nghiệm qua thực tiễn 25 năm xây dựng và phát triển Bình Dương (*)

Thứ năm, ngày 21/04/2022

(BDO) Kính thưa quý vị đại biểu!

Đi cùng với tiến trình lịch sử, tỉnh Bình Dương đã có trên 300 năm hình thành, xây dựng và phát triển; qua bao thăng trầm, bình yên và chiến tranh, rồi hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương bắt tay cùng xây dựng quê hương. Có được quê hương Bình Dương như ngày hôm nay là kết quả phấn đấu kiên cường, dũng cảm, năng động, đổi mới, sáng tạo không ngơi nghỉ của các thế hệ, của các đồng chí lão thành cách mạng, của toàn Đảng bộ và nhân dân với các thành phần kinh tế trên vùng đất này. Tiếp cận với “Bình Dương”, hội thảo chúng tôi dùng phương pháp tổng kết lịch sử từ trong quá khứ cho đến hiện tại và triển vọng trong tương lai; sau khi thống nhất lấy mốc ngoặt thời gian 25 năm (1997-2022), chặng đường 1/4 thế kỷ làm chủ đề tổ chức hội thảo đó là: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”.

Có lẽ do tầm quan trọng và sự cần thiết của chủ đề hội thảo, cùng với tình cảm và trách nhiệm của giới khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn, chỉ trong một thời gian ngắn, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 175 báo cáo khoa học với trên 1.200 trang viết rất công phu trên cả nước gửi đến.

Trong khuôn khổ các hoạt động của hội thảo khoa học, ngày 19-4, dưới sự chứng kiến của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương đã ký kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương Chương trình hợp tác tổng kết “Mô hình phát triển của Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn đến năm 2050”. Tại hội thảo, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng đã có ý kiến phát biểu chỉ đạo rất quan trọng nhằm làm rõ hơn về tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển, mục tiêu phấn đấu và tạo ra những điểm khác biệt mang tính đột phá cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Bình Dương.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tham dự và phát biểu tại phiên chuyên đề “ Xây dựng hệ thống chính trị - Các bài học trong lãnh đạo điều hành”

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên của hội thảo, Ban Tổ chức đã sắp xếp để các nhà khoa học, quý vị đại biểu trình bày báo cáo và thảo luận tại 4 chuyên đề: Xây dựng hệ thống chính trị - các bài học kinh nghiệm; Kinh tế và phát triển đô thị; Con người - văn hóa - xã hội và Quốc phòng - an ninh - đối ngoại.

Có trên 700 nhà khoa học và quý vị đại biểu làm việc tại 4 chuyên đề hầu hết là cán bộ, giảng viên làm công tác nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu, trong đó có các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có trình độ chuyên môn sâu thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn, khoa học chính trị, kinh tế, pháp luật, các nhân sĩ trí thức trong các giới, cán bộ quản lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc Trung ương và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, khoa học, 20 báo cáo khoa học đã được Ban Tổ chức lựa chọn trình bày cùng với trên 30 ý kiến phát biểu thảo luận cũng như ý kiến phản biện, các nhà khoa học đã mang đến cho hội thảo một khối lượng thông tin rất phong phú, từ nhiều góc độ khác nhau đã góp phần làm sáng tỏ, khẳng định những giá trị và bài học kinh nghiệm qua thực tiễn 25 năm xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương.

Qua ngày làm việc đầu tiên của hội thảo, các tham luận đã đề cập đến tất cả các lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị; kinh tế - văn hóa, xã hội; quốc phòng - an ninh và đối ngoại, khẳng định thành tựu và bài học kinh nghiệm qua thực tiễn 25 năm xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương, gợi ý đề xuất những định hướng, giải pháp phát triển kinh tế và đô thị tỉnh Bình Dương từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt trong mối quan hệ của Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh, với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với các địa phương trong nước, với khu vực và thế giới; các vấn đề nâng cao chất lượng lao động, trong đó quan tâm đến năng suất lao động; thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực số, gắn đào tạo phổ thông với đào tạo nghề; lao động nhập cư và vấn đề chênh lệch giàu nghèo, bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ xã hội; đặc điểm văn hóa dân cư Bình Dương và các vấn đề về phát triển công nghiệp văn hóa… Các tham luận và trao đổi khẳng định rằng: “Sự ổn định về trật tự, quốc phòng - an ninh, cùng với những chính sách thu hút đầu tư… được xem là nền tảng nội lực thì hoạt động đối ngoại nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng được xem là sức mạnh ngoại lực, có vai trò to lớn góp phần thúc đẩy Bình Dương phát triển trong hơn 25 năm qua”.

Các tham luận tiếp cận vấn đề vừa có tính khái quát vừa có tính chuyên sâu, vừa có tính tổng kết thực tiễn vừa có tính phát triển lý luận, các tác giả trình bày tham luận đã nêu bật được nhiều vấn đề có tính chất bức xúc, cấp bách cần sớm được các cấp thẩm quyền quan tâm giải quyết; đồng thời cũng đề ra được những mục tiêu, giải pháp mang tính chiến lược, có tầm định hướng phát triển dài hạn. Các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý, phản biện của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đều trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm, khoa học, các ý kiến đã làm sáng tỏ hơn, thông đạt hơn những vấn đề được trình bày, qua đó làm rõ ràng hơn những nhận định, định hướng và bổ sung thêm nhiều giải pháp nhằm giúp tỉnh Bình Dương phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Tiếp nối chương trình làm việc theo kế hoạch, ngày 20-4, hội thảo đã diễn ra phiên toàn thể. Trên 750 đại biểu đã tham dự, tiếp tục trình bày báo cáo và thảo luận những nội dung trọng tâm, những vấn đề có tính then chốt mà hội thảo đã đặt ra. Đặc biệt, trong phiên toàn thể hôm nay, hội thảo vinh dự đón tiếp đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước đến dự, phát biểu ý kiến vừa chào mừng, vừa chia sẻ gợi ý những vấn đề lớn cho hội thảo. Đồng thời, các đồng chí nguyên là Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy qua các thời kỳ cũng đã đến tham dự và phát biểu ý kiến. Từ kết quả làm việc tại các phiên chuyên đề và những nội dung trình bày trong phiên toàn thể, hội thảo đã làm sáng tỏ chủ đề “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”. Tôi xin tóm tắt một số nội dung chủ yếu như sau:

1. Trước hết, các báo cáokhoa học và ý kiến phát biểu đã làm sáng tỏ và khẳng định Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (kỳ họp thứ 10, tháng 12-1996) về chia tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước cũng như việc thành lập Đảng bộ tỉnh Bình Dương là một sự kiện đúng đắn, đúng thời điểm, có ý nghĩa “nhân thời mở vận” để Bình Dương bước sang một trang sử mới. Từ các báo cáo, trực tiếp hoặc gián tiếp, các tác giả đã khẳng định việc chia tách, thành lập tỉnh Bình Dương không chỉ là sự kiện quan trọng mà còn thể hiện tầm nhìn, tư duy quản lý, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân Bình Dương. Đây không chỉ là sự kiện mở đầu mà còn là tiền đề để Bình Dương phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đưa Bình Dương trở thành hình mẫu lý tưởng của đất nước về công nghiệp hóa, đô thị hóa, xây dựng cuộc sống giàu mạnh cho nhân dân.

2. Mảng nội dung quan trọng thứ hai của hội thảo được nhiều tác giả chú ý, đó là tinh thần năng động, những quyết sách đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương 25 năm qua. Trong khi trình bày báo cáo và thảo luận ở các phiên chuyên đề cũng như ở phiên toàn thể, các nhà khoa học đều khẳng định Bình Dương là tỉnh đi đầu trong đổi mới tư duy của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những chính sách nổi bật như “trải chiếu hoa” mời gọi đầu tư, kết hợp công nghiệp hóa và đô thị hóa, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội, thực hiện tốt công tác quản lý điều hành… Bình Dương là tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND cấp xã/phường. Bình Dương là tỉnh đầu tiên xây dựng khu công nghiệp và trang trại. Lãnh đạo tỉnh đã sớm nhận thức để phát triển kinh tế địa phương và đô thị hóa cần bắt đầu từ công nghiệp. Công nghiệp hóa tạo nguồn lực cho đô thị hóa và ngược lại, đô thị hóa tạo cơ sở cho công nghiệp phát triển. Những quyết sách của lãnh đạo tỉnh nổi bật trong thời gian qua, như: Đặt trọng tâm vào phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, kiên trì theo quy hoạch khung của tỉnh, quy hoạch vùng, thực hiện đồng bộ phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; chú trọng phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường, chú trọng và tranh thủ toàn diện  việc hội nhập quốc tế, phát huy vai trò đòn bẩy của doanh nghiệp Nhà nước, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao… là những dấu ấn không thể phai mờ, những bằng chứng sinh động cả về tâm và tầm của Đảng bộ và chính quyền các cấp tỉnh Bình Dương trong 1/4 thế kỷ qua.

3. Chủ đề thứ ba của hội thảođược các tác giả viết báo cáo và tham gia thảo luận đông đảo nhất - đó là thành tựu, triển vọng phát triển kinh tế và đô thị của Bình Dương. Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tạo được những chuyển biến đột phá trong phát triển kinh tế và đô thị. Từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với thời điểm chia tách tỉnh. Kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Bình Dương cũng luôn đi đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngay cả ở những thời điểm kinh tế thế giới có những dấu hiệu khủng hoảng hay suy thoái (nhất là trong thời gian cả thế giới chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19), Bình Dương vẫn là điểm sáng về thu hút đầu tư và thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng… Trong phát triển kinh tế và đô thị, nét độc đáo của Bình Dương là luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá mà hạt nhân là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa. Từ lợi thế về hạ tầng pháttriển công nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều dự án công nghiệp và đô thị, điển hình là Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, trong đó Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương được quy hoạch và đầu tư theo hướng đạt trình độ đẳng cấp quốc tế và trình độ phát triển theo tiêu chí đô thị sinh thái ứng dụng công nghệ cao, cũng là hạt nhân kết nối với nhiều tuyến giao thông quan trọng của tỉnh, của cả nước.

4. Với chủ đề con người và văn hóa xã hội, các nhà khoa học và quý vị đại biểu đã cùng thống nhất luận điểm hết sức quan trọng là công nghiệp hóa, đô thị hóa, các quyết sách phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Dương luôn hướng đến con người, coi trọng lợi ích của nhân dân, quan tâm đến an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Trên tinh thần chủ đạo ấy, một số báo cáo khoa học đã phân tích, đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội… Một số tác giả đi sâu vào chủ đề “người Bình Dương trong quá khứ và hiện tại”, phác họa những nét đặc trưng của chủ thể văn hóa trong mối liên hệ với quá khứ - hiện tại - dự báo tương lai, trong quy hoạch phát triển đô thị, phát triển nguồn ngân lực, giải quyết các vấn đề về lao động - việc làm, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về lao động và xã hội của tỉnh. Một số tác giả bàn luận khá sâu về các giá trị văn hóa truyền thống của Bình Dương, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể (giá trị các nghề thủ công truyền thống: Gốm sứ, sơn mài, mỹ nghệ gỗ); bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (lễ hội, phong tục tập quán, dân ca, nét đẹp trong văn hóa ứng xử của dân cư). Xem xét chủ thể văn hóa từ khía cạnh hội nhập kinh tế quốc tế, một số tác giả đã phát hiện những vấn đề mới trong tiến trình công nghiệp hóa như vấn đề dân số và chất lượng dân số, về vai trò của đội ngũ doanh nhân ở Bình Dương, vấn đề người nước ngoài ở Bình Dương… Một số báo cáo kiến nghị phát huy giá trị văn hóa, con người Bình Dương như một lợi thế trong cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế là những gợi mở lý thú, rất đáng lưu tâm và trân trọng tại hội thảo này.

5. Đối với chủ đề quốc phòng - an ninh, Ban Tổ chức kỳ vọng hội thảo làm rõ những vấn đề khoa học và thực liễn liên quan đến hoạt động quốc phòng - an ninh trong bối cảnh Bình Dương chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp, nông thôn sang xã hội công nghiệp và đô thị. Thực tiễn hội thảo đã diễn ra theo đúng kế hoạch và có những kết quả rất quan trọng. Qua các báo cáo khoa học được trình bày cũng như ý kiến trao đổi của quý vị đại biểu cho thấy, 25 năm qua, tỉnh Bình Dương đã quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về quốc phòng - an ninh vào thực tiễn địa phương; thực hiện tốt phương châm “An ninh chủ động, quốc phòng từ xa”, bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị các mục tiêu quan trọng của Đảng, Nhà nước, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Trên mặt trận an ninh, hội thảo đã bàn luận một cách khách quan về chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với củng cố, tăng cường an ninh bền vững; về công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là đối với an ninh công nhân và phòng chống tội phạm trong tình hình mới góp phần bảo đảm sự lành mạnh, an toàn đối với môi trường đầu tư; về các loại hình tội phạm và tệ nạn xã hội phát sinh trong tình hình mới… Trên mặt trận quốc phòng, hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin cùng với những phân tích, đánh giá chặng đường 1/4 thế kỷ của lực lượng vũ trang tỉnh Bình Dương, về nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, về bảo đảm quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng thời giới thiệu điển hình trong thực hiện xây dựng lực lượng quốc phòng của tỉnh Bình Dương…

6. Một vấn đề được Ban Tổ chức và các nhà khoa học, quý vị đại biểu lưu tâm trong hội thảo này là hoạt động đối ngoại của tỉnh trong chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong quá trình diễn ra hội thảo, các báo cáo khoa học được trình bày và ý kiến phát biểu thảo luận của quý vị đại biểu có phần khiêm tốn hơn những chủ đề về kinh tế, văn hóa nhưng đã nêu lên và gợi mở những chấm phá quan trọng về hoạt động kết hợp giữa chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước, vai trò của hoạt động đối ngoại trong phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa, vấn đề thiết lập mối quan hệ hợp tác với các địa phương với trọng tâm liên kết và hội nhập quốc tế. Hội thảo đã cho thấy, Bình Dương đã sớm chú trọng hội nhập, chủ động tiếp cận và tranh thủ phát huy những mặt tích cực của hội nhập quốc tế để phát triển. Các doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh đã sớm liên doanh liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp của nước tiên tiến để vừa học, vừa làm từ cách quản trị, công nghệ, phương thức sản xuất, kinh doanh. Hội nhập của tỉnh Bình Dương thực sự không chỉ tranh thủ nguồn vốn mà còn tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, chuyển hóa cung cách sản xuất, kinh doanh của các nước tiên tiến để vận dụng vào thực tiễn của tỉnh. Hoạt động đối ngoại của tỉnh không chỉ mang lại kết quả thiết thực trong sản xuất, kinh doanh mà còn để lại dấu ấn, tình cảm của Bình Dương đối với bạn bè quốc tế; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hình ảnh về đất và người Bình Dương ngày càng trở nên đẹp hơn, ấn tượng hơn trong lòng bạn bè quốc tế.

7. Trong quá trình nghiên cứu, tổng kết các bài học kinh nghiệm và khuyến nghị chính sách, hội thảo cũng đề cập đến những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của tỉnh. Một số báo cáo và ý kiến phát biểu thảo luận đã không ngại những vấn đề nhạy cảm, trực tiếp hoặc gián tiếp chỉ ra những hạn chế, bất cập cả về hoạch định chính sách và công tác điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh. Vấn đề nổi bật về hạn chế, bất cập hiện hay được đa số các tác giả nêu lên và thảo luận là tình hình gia tăng dân số, chủ yếu là lao động nhập cư, gây nhiều áp lực về giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm, các chính sách an sinh xã hội cho tỉnh. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận khách quan cả 2 chiều vì lực lượng này bổ sung nguồn nhân lực đáng kể để phát triển kinh tế, thiếu lao động thì không thể thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp. Vấn đề thứ 2 là công tác bảo vệ môi trường có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, một số mục tiêu cụ thể như xây dựng ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân chưa đạt kỳ vọng, việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường ở một số doanh nghiệp công nghiệp có mặt chưa tốt. Công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh chưa đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn trong hội nhập quốc tế về lao động xã hội, năng suất lao động còn thấp. Vấn đề xã hội và quản lý xã hội của chính quyền địa phương chưa theo kịp những phát sinh của đô thị hóa và công nghiệp hóa, nhất là những mặt phát sinh trong đại dịch Covid-19 vừa qua đã minh chứng khá rõ. Vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng phù hợp bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế cũng là bài toán thách thức của tỉnh trước sức ép cạnh tranh khu vực và quốc tế ngày càng gay gắt.

Kính thưa quý vị đại biểu!

Theo chủ đề hội thảo, những kết quả thu được trong quá trình chuẩn bị vừa qua và những kết quả diễn ra trong 2 ngày hội thảo (19 và 20-4) cho thấy, về cơ bản hội thảo đã hoàn thành nhiệm vụ, đạt được mục tiêu đề ra, khẳng định sự kiện chia tách và thành lập tỉnh Bình Dương của Đảng, Nhà nước là quyết sách đúng đắn, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng và trách nhiệm to lớn trước quyền lợi và tương lai của nhân dân Bình Dương, nhờ đó đã mở đầu thời kỳ mới cho sự phát triển đột phá trong 1/4 thế kỷ qua, đó cũng là tiền đề để Bình Dương tiếp tục hành trình hướng ra biển lớn, xây dựng tỉnh Bình Dương ngày càng giàu mạnh.

Qua hội thảo này, chúng ta cám ơn Đảng, Nhà nước đã có quyết định đúng đắn để Bình Dương bước vào thời kỳ mới. Chúng ta cũng rất cảm kích và tri ân các thế hệ cán bộ của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sông Bé, Bình Dương đã dấn thân, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để có được tỉnh Bình Dương như hôm nay. Chúng ta cũng rất cảm ơn nhân dân Bình Dương đã đồng thuận với Đảng bộ, chính quyền tỉnh trên nhiều phương diện từ hưởng ứng chủ trương chính sách xây dựng khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn mới và nhiều mặt khác trong đời sống. Đây cũng là bài học rõ nhất để chúng ta nêu cao ý thức trách nhiệm và tình cảm, không ngừng trau dồi bản lĩnh, trí tuệ, lòng nhiệt huyết, đoàn kết xây dựng phát triển tỉnh Bình Dương ngày càng giàu đẹp, trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, động lực tăng trưởng của miền Đông Nam bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng là kỳ vọng của nhân dân Bình Dương.

Do thời gian còn hạn chế, hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” tuy sôi nổi, phong phú nhưng chắc chắn chưa thể giải quyết thấu đáo mọi vấn đề. Nhiều nhà khoa học, quý vị đại biểu vẫn muốn gửi gắm thêm những câu hỏi, những gợi ý để nghiên cứu, tìm thêm tư liệu, đào sâu suy nghĩ, cung cấp thêm tri thức, nâng cao sự hiểu biết về chặng đường phát triển của Bình Dương 1/4 thế kỷ qua. Tôi mong rằng, sau hội thảo này, các nhà khoa học, quý vị đại biểu khi ra về sẽ tiếp tục suy nghĩ trên cương vị công tác, hoàn cảnh công việc cụ thể để rồi chúng ta tiếp tục hiến kế cho tỉnh Bình Dương thông qua nhiều ngả đường khác nhau. Tôi cũng hy vọng rằng, sau hội thảo này, các nhà khoa học, quý vị đại biểu sẽ có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi thông tin, tư liệu về chủ đề của cuộc hội thảo. Nếu được như vậy, đó chính là thành công và hiệu quả của cuộc hội thảo hôm nay. Thay mặt Tỉnh ủy Bình Dương và Ban Tổ chức hội thảo, tôi trân trọng cảm ơn sự ủng hộ và tình cảm của quý vị đối tỉnh Bình Dương khi tham dự hội thảo khoa học này.

Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị khách quý, các nhà khoa học, quý vị đại biểu sức khỏe và hạnh phúc!

Trân trọng cám ơn và kính chào!

(*): Tựa đề do Tòa soạn đặt