Hội thảo "Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới"
(BDO) Ngày 29-10, Hiệp hội gỗ và lâm sản VN (VIFOREST) cùng các Hiệp hội gỗ trong cả nước tổ chức Hội thảo trực tuyến "Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới", nhằm đánh giá thực trạng, thảo luận tìm ra các biện pháp giúp DN khắc phục những khó khăn, vướng mắc để phục hồi hoạt động, sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Tại điểm cầu Bình Dương, hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo sở, ngành chức năng và đông đảo doanh nghiệp ngành gỗ trong tỉnh.
Tại hội thảo, ban tổ chức đã công bố số liệu khảo sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp được các hội và hiệp hội ngành gỗ thực hiện từ ngày 10-10 đến ngày 21-10. Theo số liệu, qua đại dịch lần thứ 4, chỉ 8,3% số doanh nghiệp dừng hoạt động, 56% doanh nghiệp cho biết đã áp dụng nhiều hình thức khác nhau để duy trì hoạt động trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, số lao động giảm dẫn đến ngành gỗ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Riêng tại Bình Dương, lao động giảm đến giảm 38,3%.
Sản xuất chế biến gỗ tại công ty TNHH Hiệp Long, TP.Thuận An
Đến thời điểm này, tại Bình Dương dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đã đi vào ổn định nhanh hơn dự kiến, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ. Tuy nhiên, để có thể tăng trưởng trở lại như mức tăng trưởng của 6 tháng đầu 2021, các doanh nghiệp cần xây dựng phương án cụ và khả thi để vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
Thảo luận tại hội thảo, các doanh nghiệp cũng đưa ra kiến nghị trong phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp kiến nghị, cơ quan y tế cần có quy trình hướng dẫn phù hợp, bao gồm cả việc xử lý nếu có F0, quy trình phòng, chống dịch cần thống nhất từ Trung ương tới địa phương, cần thực hiện nhất quán…
Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tỉnh Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn lao động, phối hợp với doanh nghiệp đón công nhân từ các tỉnh thành. Trong hoạt động động sản xuất sau dịch, các doanh nghiệp cần có chính sách ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển rừng trồng gỗ lớn, thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, không đứt gãy trong khâu vận chuyển.
Tiểu My