Hội thảo báo Đảng các tỉnh miền Đông Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp đưa báo Đảng về cơ sở
Hôm qua (22-9), Báo Bình Dương đã đăng cai tổ chức hội thảo báo Đảng các tỉnh miền Đông Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh với chủ đề “Tìm giải pháp đưa báo Đảng về cơ sở”. Ông Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đến dự và phát biểu chúc mừng.
(BDO)
Toàn cảnh hội thảo báo Đảng các tỉnh miền Đông Nam bộ. Ảnh: H.VĂN
Báo Đảng tuyên truyền, cổ vũ các phong trào cách mạng
Ông Lê Hữu Phước, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực trong công tác vận động, tuyên truyền, cổ vũ và tổ chức phong trào cách mạng; trong đó, báo Đảng từ Trung ương đến địa phương đóng vai trò nòng cốt. Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Kết luận số 29- KT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ngày 25- 8-2012 khẳng định việc mua và đọc báo Đảng không những khẳng định tính tư tưởng, định hướng chính trị của báo Đảng mà còn thể hiện sự tin cậy và đề cao trách nhiệm của báo Đảng trong hệ thống báo chí nước ta.
Ông Lê Hữu Phước cho rằng, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, sự bùng nổ thông tin trong xã hội công nghệ và thông tin, trước tình hình các thế lực phản động, thù địch tăng cường sử dụng các phương tiện đại chúng, mạng xã hội để chống phá, gây nhiễu loạn thông tin, báo Đảng kịp thời thông tin chính xác để định hướng dư luận. Hệ thống báo Đảng là kênh thông tin chính thống, luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm theo dõi, vì đây là những thông tin được kiểm chứng vấn đề bởi các cơ quan chức năng dựa trên những thực tiễn và lý luận chặt chẽ cùng những phân tích sâu sắc, thấu đáo, khách quan và các vấn đề dư luận đang quan tâm.
Ông Trần Huy Thanh (trái), Tổng Biên tập Báo Đồng Nai và ông Lê Hồng Thương (giữa), Phó Tổng Biên tập Báo Long An tham quan phòng thu Báo Bình Dương điện tử. Ảnh: H.VĂN
Báo Đảng còn là kênh thông tin để cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu để nắm vững và thực hiện có hiệu quả quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương. Tuy nhiên, tình trạng số lượng phát hành báo in của báo Đảng, nhất là báo Đảng địa phương đang có xu hướng giảm. Việc giảm này do nhiều nguyên nhân. Do đó, việc tìm giải pháp đưa báo Đảng về cơ sở là một yêu cầu cấp thiết, vừa để tăng cường công tác tuyên truyền của Đảng đến cơ sở, vừa bảo đảm nguồn kinh phí giúp cơ quan báo chí tự chủ về tài chính để duy trì và phát triển.
Dẫn đề tại hội thảo, ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng chia sẻ, việc đưa báo Đảng về cơ sở càng nhiều là kênh thông tin chính thống để cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp cận các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các thông tin chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đến nhân dân. Báo Đảng là cơ quan tuyên truyền sắc bén của Đảng, đưa các nghị quyết vào cuộc sống, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng tổ dân phố, khu ấp, góp phần cùng với Đảng thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đưa báo Đảng đến từng tổ dân phố
Chia sẻ những kinh nghiệm về việc đưa báo Đảng về cơ sở, về từng tổ dân phố, ông Lê Tiền Tuyến nói: “Kinh nghiệm của Báo Sài Gòn Giải Phóng là tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở. Trong thời gian qua, chỉ tính riêng phần phát hành báo về cơ sở như khu phố, ấp của Báo Sài Gòn Giải Phóng có khoảng 27.000 tờ/ngày. Để duy trì việc phát hành, Báo Sài Gòn Giải Phóng luôn xem bạn đọc là thượng đế, không ngừng cải tiến nội dung và hình thức tờ báo; đồng thời tập thể báo luôn duy trì mối quan hệ gắn bó mật thiết với Ban Tuyên giáo Thành ủy và các quận, huyện, qua đó kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động thực hiện nhiều chương trình gắn với việc đưa báo Đảng về cơ sở như: Chương trình đưa tin về đại hội Đảng bộ các cấp để phát hành đến từng tổ dân phố, ấp”.
Trong thời gian qua, trung bình Báo Sài Gòn Giải Phóng phát hành 27.000 tờ/ngày đến từng chi bộ, khu phố, ấp của TP.HCM. Để duy trì việc phát hành, trong nhiều năm qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng luôn xem bạn đọc là thượng đế, không ngừng cải tiến nội dung và hình thức tờ báo; đồng thời tập thể báo luôn duy trì mối quan hệ gắn bó mật thiết với Ban Tuyên giáo Thành ủy và các quận, huyện để qua đó kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động thực hiện nhiều chương trình gắn với việc đưa báo Đảng về cơ sở như: Chương trình đưa tin về đại hội Đảng bộ các cấp để phát hành đến từng tổ dân phố, ấp. |
Việc đưa báo Đảng về cơ sở, Báo Tây Ninh có nhiều điểm mới. Ông Văn Công Cảnh, Tổng Biên tập Báo Tây Ninh cho biết, Báo Tây Ninh phát hành 15.000 tờ/kỳ. Để làm được điều này, Báo Tây Ninh đã tổ chức khảo sát các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, phát hiện hơn 80% dân số các xã khu vực này không có báo Đảng để đọc, kể cả các báo khác. Trong khi đó, người dân bị nhiễu loạn nhiều thông tin không chính thống từ mạng xã hội, internet. Sau đó, Báo Tây Ninh đã làm báo cáo đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh cùng có văn bản chỉ đạo để tìm giải pháp đưa báo Đảng về cơ sở. Sau một thời gian triển khai thực hiện, đến nay, Báo Tây Ninh đã có mặt tại hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa, các xã biên giới để từng hộ dân, khu phố, ấp đều đọc báo Đảng, tiếp cận thông tin chính thống. Qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh…
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã chỉ rõ việc đưa báo Đảng về cơ sở hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cấp ủy chi bộ cơ sở chưa hiểu thế nào là báo Đảng, thậm chí có nhiều đồng chí trong cấp ủy chi bộ chưa phân biệt được báo Đảng và báo ngành nên gây khó khăn trong việc đặt mua báo và đọc báo Đảng trong từng chi bộ ấp, khu phố. Do đó, nhiều báo Đảng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo địa phương tổ chức tuyên truyền, chỉ đạo và vận động việc mua và đọc báo Đảng để nắm rõ các chủ trương lớn của Đảng, của địa phương, nhất là trong đợt đại hội Đảng các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Cụ thể như ở Tây Ninh, Ban Tuyên giáo các cấp đã cổ vũ mạnh mẽ cho việc đưa báo Đảng về cơ sở để người dân đọc, đồng thuận cùng chính quyền các cấp và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cấp ủy Đảng địa phương quan tâm hơn về việc đưa báo Đảng về cơ sở
Ông Đoàn Như Viên, Tổng Biên tập Báo Bình Phước khẳng định, để báo Đảng về cơ sở, cấp ủy, chính quyền cần phải thực hiện tốt Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Kết luận số 29-KT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) ngày 25-8-2012 về việc mua và đọc báo Đảng. Cái khó là ngoài nỗ lực của các cơ quan báo Đảng thì cần sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Tuyên giáo các cấp để các cấp ủy địa phương nâng cao nhận thức việc mua và đọc báo Đảng. Ông Lê Hồng Thương, Phó Tổng Biên tập Báo Long An chia sẻ, ở Long An, đã đề xuất Thường trực các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy ban hành các văn bản chỉ đạo việc mua và đọc báo Đảng; đồng thời đưa tiêu chí thẩm định Đảng bộ trong sạch vững mạnh hàng năm thì có tiêu chí mua và đọc báo Đảng. Thực tế đã có Đảng bộ bị trừ điểm do không đạt yêu cầu mua và đọc báo Đảng khi xét thi đua cuối năm.
Ông Nguyễn Quang Hiệp, Tổng Biên tập Báo Bình Dương, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương trao cờ đăng cai giải bóng đá các cơ quan báo Đảng khu vực miền Đông Nam bộ và TP.HCM cho ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng. Ảnh: H.VĂN
Việc nâng cao chất lượng tờ báo là một giải pháp quan trọng, nhất mà các cơ quan báo Đảng luôn thực hiện thường xuyên. Cụ thể như ở Báo Bình Dương, từng trang báo hàng ngày đều phản ánh hơi thở cuộc sống, phản ảnh trung thực, khách quan các cuộc họp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh và 9 huyện, thị xã, thành phố, 91 xã, phường, thị trấn. Nhiều bài viết phản ánh những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh… Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều cấp ủy chi bộ thờ ơ việc đọc báo Đảng và nhận thức chưa đúng về Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị (khóa VIII) và Kết luận số 29-KT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI). Trước những thông tin có xu xướng nhiễu loạn trên mạng xã hội, internet… thì việc mua và đọc báo Đảng thường xuyên là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy từng chi bộ cần phải quan tâm để từng cán bộ, đảng viên, từng người dân đều đọc báo Đảng để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội…
Ông LÊ TIỀN TUYẾN, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng: “Lãnh đạo cần hỗ trợ cho báo Đảng địa phương phát triển...”
Cái chính của việc đưa báo Đảng về cơ sở không phải là để tăng doanh thu phát hành mà nhằm đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước, chủ trương của Đảng bộ, chính quyền TP.HCM đến nhân dân. Lãnh đạo các địa phương cần nhìn nhận rằng, việc hỗ trợ kinh phí phát hành không phải đơn thuần là để cho tờ báo Đảng ở địa phương “sống khỏe”. Kinh nghiệm từ Báo Sài Gòn giải phóng, phát hành nhiều chưa chắc đã có lãi... Sự bùng nổ của thông tin không chính thống từ các mạng xã hội thời gian qua, trong đó có nhiều thông tin xấu, thông tin không kiểm chứng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tư tưởng chính trị xã hội. Do đó, việc phát hành báo Đảng, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa là rất cần thiết để định hướng dư luận xã hội, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức trước các thông tin xấu của các thế lực thù địch. Do đó, từng cấp ủy cơ sở phải nâng cao trách nhiệm mua và đọc báo Đảng.
Ông VĂN CÔNG CẢNH, Tổng Biên tập Báo Tây Ninh: Báo Đảng phản bác lại những luận điệu xuyên tạc
Tôi cho rằng hệ thống báo Đảng của chúng ta là kênh thông tin hữu hiệu nhất để chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù. Nhiều xã biên giới ở Tây Ninh, sau khi báo Đảng đến từng nhà dân, khu ấp đã góp phần lớn trong việc định hướng tư tưởng. Người dân có thông tin chính thống để đọc và hiểu rõ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, các chủ trương, chính sách của tỉnh Tây Ninh. Qua thời gian dài tiếp cận báo Đảng, cán bộ, đảng viên, người dân đã nâng cao được nhận thức của mình, đồng thuận cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền để chung tay góp sức xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
Ông TRẦN HUY THANH, Tổng Biên tập Báo Đồng Nai: Xây dựng cơ chế đặt mua báo
Từ kinh nghiệm của Báo Sài Gòn Giải Phóng và Báo Tây Ninh, tôi cho rằng, chúng ta cần xây dựng cơ chế phối hợp đặt báo bằng ngân sách cho các đối tượng là đảng viên 40 năm tuổi Đảng trở lên, cán bộ về hưu thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trưởng khu phố, ấp trong tỉnh; các tổ nhân dân tự quản. Đây là giải pháp giúp cho báo Đảng ngày càng tự chủ về tài chính; đồng thời giúp cho tờ báo Đảng đến từng khu phố, nhà dân. Thông qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về sự đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông LÊ HỒNG THƯƠNG, Phó Tổng Biên tập Báo Long An: Cần phối hợp với cấp ủy cơ sở...
Long An có 15 huyện, thị, thành phố với 192 xã, phường, thị trấn, trong đó có 20 xã biên giới. Thời gian qua, Báo Long An phát hành đạt yêu cầu chủ yếu dựa vào chỉ thị, quy định của Đảng, có tính bắt buộc các tổ chức Đảng phải chấp hành. Hiện nay, tòa soạn báo phải thường xuyên cải tiến nội dung, hình thức để đáp ứng nhu cầu thông tin; đồng thời tổ chức mối quan hệ thường xuyên với cấp ủy cơ sở để đưa báo về các xã vùng sâu, vùng xa, đưa tiếng nói chính thống của Đảng đến với người dân.
HỒ VĂN