Hồi sinh virus có tuổi thọ 30.000 năm trong băng vĩnh cửu?

Thứ sáu, ngày 11/09/2015

(BDO)

Loại virus mới được phát hiện. (Nguồn: AFP)

​Được đặt tên là Mollivirus sibericum (virus mềm Siberia), loại virus mới được phát hiện có kích thước 0,6 micron (khoảng hơn 1/1000 milimet) và chứa 523 gen protein-một con số rất lớn (virus cảm cúm chỉ chứa 11 bộ gen).

​Đây là chủng virus tiền sử thứ tư được tìm thấy từ năm 2003 và là chủng virus tiền sử thứ hai được các nhà khoa học Pháp tìm ra từ cùng một mẫu vật lấy từ độ sâu 30m ở miền đông Siberia. Cùng từ mẫu vật này, trước đó họ đã phát hiện chủng virus tiền sử khổng lồ khác có tên Pithovirus sibericum.

​Hiện các nhà khoa học đang lên kế hoạch “đánh thức” chủng virus mới này, nhưng đồng thời cùng đảm bảo chúng không hoạt động và không thể gây đại dịch toàn cầu cho con người hoặc động vật.

​“Phát hiện này cho thấy những chủng virus có kích thước lớn không hề hiếm gặp và rất đa dạng. Nó cũng chứng minh rằng khả năng virus sống sót lâu đến vậy trong băng vĩnh cửu không giới hạn ở một chủng virus cụ thể nào, mà bao trùm lên cả đại gia đình virus với khả năng phân đôi khác biệt và quá trình phân đôi và kéo theo đó có thể trở thành nguồn gây bệnh,” thông cáo chính thức của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp.

Từ trước đến nay, nhiều nhà khoa học đã tìm cách “hồi sinh” những loại virus từ thời cổ đại để nghiên cứu kỹ hơn về chúng. Năm 2004, các nhà khoa học Mỹ đã hồi phục thành công chủng virus cúm Tây Ban Nha khét tiếng đã khiến 10 triệu người tử vong, tính đến đầu thế kỷ 20.

​Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn còn băn khoăn về khả năng virus thay đổi do biến đổi khí hậu.

“Nếu chúng ta không cẩn thận và công nghiệp hóa ngành nghề này mà không có quy tắc an toàn, một ngày nào đó, chúng ta có thể sẽ đánh thức cả những loại như virus đậu mùa mà chúng ta nghĩ là đã quét sạch từ trước,” Jean-Michel Claverie, một trong số các nhân viên điều tra chính cho biết./.

(Theo TTXVN)

Từ khóa: