Hội sách ký lô Bình Dương: Hành trình phát triển văn hóa đọc

Thứ bảy, ngày 15/09/2018

(BDO) Nếu như việc mua sách trước đây chỉ có cách thức duy nhất là tới các nhà sách, thì giờ đây, người đọc có thể dễ dàng mua ở mọi nơi, từ việc mua sách online đến các đường sách, hay tại các hội sách...


Đông đảo bạn trẻ tham gia lựa chọn sách tại Hội sách ký lô Bình Dương trong tuần qua
. Ảnh: T.LÊ

Vừa qua, hiệu sách Mạc (Hà Nội) đã phối hợp cùng Cà phê Book (đường 30-4, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một) tổ chức Hội sách ký lô Bình Dương đồng giá 59.000 đồng/kg. Anh Phan Xuân Bảo, quản lý hiệu sách Mạc khu vực phía Nam (đơn vị tổ chức chương trình hội sách ký lô), cho biết hội sách tại Bình Dương được tổ chức tại không gian quán Cà phê Book chi nhánh 1 với nội dung sách đa dạng các thể loại như sách kinh doanh, kỹ năng sống, truyện ngắn, trinh thám, kinh tế chính trị, luật, sách tham khảo, sách thiếu nhi… Đây là chương trình được tổ chức xuyên suốt các tỉnh thành trong cả nước. Trước đó, hội sách đã tổ chức thành công tại Bắc Ninh, Thi Nguyên, Hi Phng, Hi Dương, Nam Đnh, Ninh Bnh, Thanh Ha, TP.Hà Nội. Khu vực phía Nam đã tổ chức tại Cần Thơ, Bình Dương và sắp tới là Đồng Nai. Ở mỗi chương trình càng về sau, số lượng đầu sách lại càng phong phú hơn. Sự đa dạng không chỉ ở số lượng mà còn cả ở thể loại từ văn học, lịch sử, hướng nghiệp đến doanh nhân, khoa học xã hội, kinh tế, thiếu nhi... hay cả những cuốn sách về Đảng, về Bác Hồ, khu sách về chủ quyền biển đảo Việt Nam, khu giới thiệu các đầu sách chính trị, khu sách lịch sử…

Hình ảnh ấn tượng tại hội sách là những bạn sinh viên, học sinh, phụ huynh dẫn con nhỏ tới chọn lựa sách từ rất sớm. Trong đó, đối tượng đông đảo nhất vẫn là các bạn sinh viên tới từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Bạn Phạm Thùy Linh (sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một) cho biết: “Em biết đến Hội sách ký lô qua tờ rơi và mạng xã hội. Thông thường, em hay đặt mua sách online hoặc tới nhà sách. Tuy nhiên, hội sách này có giá khá rẻ nên em cũng muốn tới thật sớm để lựa được nhiều cuốn sách ưng ý”. Khác Linh, chị Thủy lại đưa cả gia đình tới hội sách để mỗi người tự do lựa sách. Chị Thủy nói: “Thoạt đầu mình không định đi vì thời tiết mưa nắng không thuận tiện nhưng do con nài nỉ, giục giã đòi đi mua sách cuối tuần nên tôi và chồng đã dẫn con cùng đi mua sách giải trí cuối tuần”.

Có thể thấy, văn hóa đọc cũng từ chính những hội sách như thế này mà hình thành, lan tỏa. Từ chỗ bị động trở thành chủ động, giới trẻ đã không chịu ngồi yên để cha mẹ chọn sách giùm mình, mà đã tự tìm mua những cuốn sách mà họ thực sự quan tâm. Và trong nhiều lựa chọn giải trí như xem phim, nghe nhạc… thì mọi người vẫn dành sự quan tâm nhất định cho sách.

Anh Phan Xuân Bảo chia sẻ: “Tuy doanh thu cũng quan trọng nhưng ngay từ ban đầu, hiệu sách Mạc tổ chức các chương trình hội sách ký lô này với mục đích lớn nhất vẫn là làm sao để xây dựng, khơi dậy lại tình yêu đọc sách, kích thích được văn hóa đọc phát triển”. Có thể thấy, ngày càng nhiều hơn những hoạt động kích thích văn hóa đọc từ phía nhà trường lẫn cộng đồng. Đọc sách, sự lan tỏa một thói quen văn hóa, cần phải có cộng đồng. Có những cuốn sách làm thay đổi cả cuộc đời người đọc. Lại có những thú chơi sách khiến con người trở nên gần gũi, hiểu biết về nhau và về cuộc sống. Việc thúc đẩy văn hóa đọc dù bằng cách này hay cách khác cũng là cách để thể hiện sự trân trọng với những công sức lao động của đội ngũ những người cầm bút tạo ra nhiều tác phẩm hay và giá trị cho cộng đồng.

THANH LÊ