Hội Nông dân huyện Phú Giáo: Điểm sáng trong phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Thứ ba, ngày 16/12/2014

(BDO) Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG) là một trong những phong trào thi đua được Hội ND huyện Phú Giáo triển khai thực hiện sâu rộng trong những năm qua. Phong trào đã thực sự tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên giảm nghèo và làm giàu trong hội viên ND toàn huyện.

Nhiều năm qua, Hội ND huyện Phú Giáo đã triển khai phong trào NDSXKDG đến các cấp hội và từng hội viên, nhận được sự hưởng ứng tích cực. Các cấp hội trong huyện triển khai phong trào với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm kinh tế của từng địa phương. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình và gương điển hình trong phong trào NDSXKDG, góp phần đưa kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Nền sản xuất nông nghiệp theo đó cũng trở nên đa dạng, gắn sản xuất với chế biến và dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Thanh Hà, hội viên Hội ND xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo đã thành công với mô hình trồng hoa lan mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.AN

Ông Trịnh Đức Dũng, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Phú Giáo cho biết, thời gian qua, hội đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều buổi hội thảo, các lớp tập huấn cho ND về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên các loại cây trồng; kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, phòng trừ dịch bệnh… đồng thời đào tạo nghề ngắn hạn cho ND như trồng và khai thác mủ cao su; trồng nấm; chăm sóc hoa lan, sinh vật cảnh, cá cảnh, nấu ăn… Cụ thể trong năm 2014, hội đã xét và tạo điều kiện giải ngân hơn 30 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau cho 2.148 lượt hộ ND vay vốn phát triển kinh tế; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức được 82 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 6.000 lượt hội viên; mở 36 buổi hội thảo với gần 3.000 lượt hội viên tham dự; tổ chức 6 chuyến tham quan học tập các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh; tổ chức 62 điểm trình diễn mô hình trồng trọt, chăn nuôi và 24 lớp dạy nghề cho hội viên ND…

Chính vì thế, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trong phong trào NDSXKDG. Điển hình như mô hình VAC của ông Nguyễn Văn Khái ở xã Tam Lập; mô hình chăn nuôi heo rừng lai của bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp ở thị trấn Phước Vĩnh; mô hình trồng hoa lan của ông Nguyễn Thanh Hà ở xã Phước Hòa; mô hình nuôi heo bằng đệm lót sinh học của ông Trần Văn Lý ở xã Vĩnh Hòa; mô hình trồng tiêu của ông Phạm Văn Dũng; mô hình trống nấm của ông Nguyễn Tấn Liêm ở ấp Tân Thịnh, xã An Bình; mô hình chăn nuôi heo và sản xuất phân bón vi sinh từ chất thải trong chăn nuôi của ông Lê Minh Đồng ở xã Phước Hòa… Đây là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về công tác giảm nghèo, làm giàu.

Để đẩy mạnh phong trào NDSXKDG, Hội ND huyện Phú Giáo cũng thường xuyên phối hợp với các ngân hàng hướng dẫn cho ND xây dựng các phương án sản xuất và thủ tục vay vốn. Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… giải ngân cho trên 7.980 hội viên vay vốn phát triển kinh tế với tổng số tiền 890 tỷ đồng. Ngoài ra, hội còn vận động các công ty, xí nghiệp, các đại lý dịch vụ nông nghiệp, các hộ hội viên khá, giàu hỗ trợ vốn, cây, con giống, công lao động, bán thiếu trả chậm các loại vật tư, phân bón, thức ăn gia súc… với tổng giá trị 14,987 tỷ đồng hỗ trợ cho 3.375 lượt hội viên; đồng thời giới thiệu tạo thêm việc làm mới cho 11.720 lượt lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tạo điều kiện cho 769 hộ thoát nghèo.

Theo ông Trịnh Đức Dũng, trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục hướng dẫn hội viên ND xây dựng những mô hình SXKD có hiệu quả; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với tình hình đất đai, môi trường sinh thái và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Đồng thời, hội khuyến khích hội viên phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã…; chọn những loại giống mới có năng suất chất lượng cao theo hướng tập trung, xây dựng thương hiệu theo chương trình VietGAP, LobalGAP, sản xuất sản phẩm sạch để tham gia xuất khẩu, đủ sức cạnh trạnh trên thị trường trong và ngoài nước.

“Hội cũng sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các ngân hàng cùng với Quỹ hỗ trợ ND các cấp hỗ trợ vốn vay ưu đãi; phối hợp các ngành chức năng tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm... giúp ND có điều kiện phát triển SXKD, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng…”, ông Dũng nói.

Trong năm 2014, Hội ND huyện Phú Giáo đã triển khai phong trào NDSXKDG đến 100% hội viên, thu hút 8.038 hội viên đăng ký thực hiện, đạt 118,2% chỉ tiêu. Qua bình xét, có 6.815 hộ hội viên đạt danh hiệu NDSXKDG, chiếm tỷ lệ 84,8% số hộ đăng ký và bằng 123% chỉ tiêu; trong đó cấp Trung ương có 54 hộ, cấp tỉnh có 687 hộ, cấp huyện có 1.712 hộ, cấp xã có 4.362 hộ. Được biết, hiện nay trên địa bàn toàn huyện có 359 trang trại, trong đó có 236 trang trại chăn nuôi; 24 câu lạc bộ (CLB), trong đó có 8 CLB nhà nông, 3 CLB trang trại, 3 CLB chăn nuôi, 2 CLB ND với pháp luật; xây dựng được 235 tổ liên kết sản xuất hoạt động ổn định, hiệu quả.

 

THÙY AN