Hội nhập kinh tế quốc tế: Đạt nhiều thành tựu, nhưng còn lắm thách thức!
Đạt kết quả cao trong hội nhập
Giai đoạn 2007-2012, các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, tổng sản phẩm GDP của tỉnh tăng trưởng bình quân 13,55%/ năm, gấp đôi tỷ lệ của cả nước (6,07%/năm) và tăng gấp đôi so năm 2006 (theo giá so sánh). Riêng năm 2012, ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp (CN,DV&NN) chiếm tỷ trọng 62%, 34,2% và 3,8% trong cơ cấu kinh tế, GDP bình quân đầu người 44,2 triệu đồng. So với năm 2011, GDP năm 2012 tăng 12,5%; giá trị sản xuất CN ước đạt 140.660 tỷ đồng, tăng 14,2%; kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 16%; giá trị sản xuất NN ước đạt 2.923 tỷ đồng, tăng 3,9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa DV ước đạt 75.145 tỷ đồng, tăng 29,7%. Hội nhập KTQT góp phần thu hút ngày càng nhiều các dự án đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất chi tiết máy móc có độ chính xác cao bằng dây chuyền công nghệ hiện đại tại Công ty Finecs
Các ngành hàng chủ lực của Bình Dương là gỗ, giày da, dệt may, cao su và thủ công mỹ nghệ chiếm tỷ trọng cao trong tổng số KNXK của tỉnh. Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) đã tạo điều kiện cho DN trên địa bàn mở rộng thị trường, tăng KNXK, cơ cấu mặt hàng cũng có những thay đổi theo hướng tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 1.725 DN xuất khẩu hàng hóa vào 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu so với giai đoạn 2001- 2005, các DN Bình Dương đã mở rộng thị trường XK hàng hóa đến thêm 93 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Có được kết quả trên là nhờ Bình Dương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Với tiềm năng và môi trường đầu tư thuận lợi, chủ trương chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, linh hoạt và hấp dẫn, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn đạt thứ hạng cao so với các tỉnh, thành trong cả nước. Từ đó, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến bỏ vốn làm ăn, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Qua tổng kết công tác hội nhập KTQT giai đoạn 2007- 2012, Ban chỉ đạo Hội nhập KTQT tỉnh nhận định, Bình Dương tuy đã đạt được những nhiệm vụ đề ra cho hội nhập KTQT là đẩy mạnh hoạt động XTTM và đầu tư, mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả cơ chế hợp tác quốc tế và nguồn lực về vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Mặc dù giá trị sản xuất CN đạt mức tăng trưởng cao, nhưng tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng lạm phát, giá cả nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất tăng cao, lãi suất ngân hàng và chủ trương thắt chặt tiền tệ đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Theo báo cáo UBND tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có gần 600 DN ngừng, nghỉ hoạt động do gặp khó khăn.
“Theo báo cáo năng lực hội nhập cấp địa phương, thuộc chương trình Hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO, được Ủy ban Quốc tế về hợp tác KTQT công bố, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai… Bình Dương thuộc nhóm các địa phương có năng lực hội nhập KTQT tốt nhất.”
Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng, nhưng nếu phân tích kỹ cơ cấu nội bộ thì các ngành chuyển dịch còn chậm, hiệu quả SXKD và năng lực cạnh tranh chưa cao. Môi trường đầu tư, SXKD tuy có tiến bộ, nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn có công nghệ sản xuất hiện đại. Năng suất, chất lượng sản xuất NN chưa cao, các khu NN công nghệ cao triển khai còn chậm. Ngành DV tuy có chuyển biến, nhưng tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Năng lực nghiên cứu, thông tin, dự báo và ứng phó thị trường ở tầm vĩ mô, vi mô chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực hiện tại trong tỉnh cũng chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển, hiệu quả khai thác, sử dụng cơ sở vật chất đã đầu tư chưa cao.
Bên cạnh đó, công tác phối kết hợp của một số ngành chức năng còn hạn chế. Trong đó, ông tác xử lý vi phạm về chất lượng và nhãn hàng hóa lưu thông trên thị trường; công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác bảo vệ môi trường chưa được đầu tư đúng mức, chưa ngang tầm với phát triển. Điều đáng lo nhất là trình độ về hội nhập KTQT của DN, cũng như cán bộ làm công tác hội nhập KTQT còn hạn chế, nên còn bỏ qua nhiều cơ hội tốt cho DN và cả địa phương.
Hướng đến công nghệ kỹ thuật cao
Phát huy kết quả đạt được về công tác hội nhập KTQT của tỉnh giai đoạn 2007-2012, Ban Hội nhập KTQT đã định hướng công tác này đến năm 2015. Theo đó, các ngành, các cấp trên địa bàn cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về hội nhập KTQT; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp thị đầu tư đối với những ngành CN kỹ thuật cao, nhằm cơ cấu lại nội bộ ngành CN, theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập KTQT; chủ động tiếp cận, kết nối với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các đối tác kinh tế trong và ngoài nước để đẩy mạnh hoạt động XTTM và đầu tư, mở rộng hợp tác và hội nhập KTQT; khuyến khích các DN đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đầu tư CN chế biến sản phẩm NN, chế biến thực phẩm với công nghệ hiện đại, gắn với vùng nguyên liệu, nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh, cơ bản, cơ cấu nội bộ ngành NN, nâng cao hiệu quả ngành NN. Song song đó, cần tạo điều kiện phát triển CN kỹ thuật cao, phát triển CN phụ trợ, tạo nguồn nguyên liệu cơ bản trong nước để nâng cao giá trị và hiệu quả trong SXKD, phát triển CN gắn với phát triển DV và đô thị; phát triển các loại hình DV tài chính, huy động khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn bảo đảm cho đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để tiếp tục phát huy thành quả sau 6 năm hội nhập cũng như khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác hội nhập KTQT, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành cần phối kết hợp tốt hơn trong hội nhập KTQT theo hướng tạo môi trường đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút đầu tư, kết hợp đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề; mở rộng hợp tác đa phương trên cơ sở độc lập, tự chủ; kịp thời ngăn ngừa những mặt có hại trong quá trình hội nhập KTQT.
BẢO ANH